Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Hai tăng 1,62 USD, hay 2,2%, lên 73,81 USD/thùng, qua đó kêt thúc tuần giao dịch vừa qua với mức tăng 3%. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Ba tăng 1,17 USD, hay 1,5%, lên 78,76 USD/thùng, và tăng 2,2% trong cả tuần.
Giá dầu thô tăng giảm liên tục trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, nhưng vẫn kết thúc tuần qua trong vùng tăng giá.
Những cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột lan rộng có thể giới hạn đáng kể nguồn cung dầu thô từ Trung Đông. Cho đến nay, những thay đổi trong tuyến đường vận chuyển đã khiến nhu cầu đối với dầu thô Mỹ gia tăng, qua đó thúc đẩy xuất khẩu dầu của nước này.
Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Jihad Azour, nhận định sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại toàn cầu, giữa lúc lực lượng Houthi ở Yemen tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua tuyến đường thủy quan trọng này.
Ông Azour cho biết giá container đã tăng vọt và khối lượng thương mại được vận chuyển qua Kênh đào Suez của Ai Cập sụt giảm sau cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ vào tháng trước. Ông Azour nói thêm chi phí xuất khẩu đã gia tăng, đặc biệt trong hoạt động thương mại giữa châu Á và châu Âu, đồng thời lưu ý một phần lớn dầu mỏ nhập khẩu của thế giới được vận chuyển qua Kênh đào Suez.
Eo biển Bab Al Mandeb, nằm ở rìa phía Nam của Biển Đỏ, là tuyến đường dành cho tàu chở dầu và tàu thương mại đi lại giữa Vịnh Arab và châu Á, cũng như các tàu đi đến châu Âu qua Kênh đào Suez. Khoảng 12% khối lượng thương mại dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua Eo biển Bab Al Mandeb. Một số hãng vận tải biển quốc tế, bao gồm Hapag Lloyd, Mediterranean Shipping Company và Maersk, đã định tuyến lại các tàu của họ qua miền Nam châu Phi, một tuyến đường biển dài hơn và tốn kém hơn, trong bối cảnh các cuộc tấn công nhằm vào tàu ở Biển Đỏ vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh đó việc đóng cửa mỏ dầu lớn nhất ở Libya do biểu tình trong tuần này cũng hỗ trợ giá dầu. Sản lượng dầu tại mỏ này đạt khoảng 270.000 thùng/ngày.
Trước đó, trong năm 2023, giá dầu bị chi phối bởi những lo ngại về nguồn cung và sự gia tăng sản lượng của Mỹ và các nước sản xuất khác, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạn chế nguồn cung.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong bài đăng trên tờ Business Insider, OPEC+ đã không thể thúc đẩy tăng giá dầu bằng cách giảm sản lượng, trong đó một phần nguyên nhân là vì các nước ngoài OPEC như Mỹ, Brazil và Guyana vẫn tăng nguồn cung. Trong khi đó, những cam kết mới từ OPEC+ về việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến đầu năm 2024 khó có thể thực hiện được.
Các nhà phân tích cho rằng khả năng hợp tác và quản lý thị trường của OPEC+ đang gặp trở ngại khi tại cuộc họp mới đây nhất vào tháng 11/2023, các thành viên của tổ chức này không thể nhất trí về việc cắt giảm sản lượng khai thác, trong khi Angola tuyên bố sẽ rời khỏi OPEC. Nhà phân tích trong lĩnh vực dầu mỏ Hunter Kornfeind thuộc công ty tư vấn Rapidan Energy nhận định rủi ro chính đối với thị trường dầu mỏ thế giới là thiếu sự gắn kết trong OPEC.
Bài viết cũng cho rằng Saudi Arabia, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong OPEC, đang có những ưu tiên khác có thể ngăn nước này tăng nguồn cung khiến giá dầu và lợi nhuận giảm. Nhà phân tích trong lĩnh vực dầu mỏ Homayoun Falakshahi thuộc công ty nghiên cứu Kpler cho rằng Saudi Arabia có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai vào cuối thập niên này như Đại hội thể thao mùa Đông châu Á 2029, Hội chợ Triển lãm thế giới 2030 (World Expo 2030), World Cup 2034, những hoạt động cần rất nhiều tiền và ngân sách của đất nước vốn phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng nợ và tăng trưởng yếu sau dịch COVID-19 khiến nhu cầu giảm sút. Nhà giao dịch Rebecca Babin tại công ty tư vấn tài chính CIBC Private Wealth cho rằng những hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc sẽ là mối quan ngại lớn nhất của thị trường dầu mỏ trong năm 2024. Sau đó là việc Mỹ tiếp tục duy trì sản lượng nhưng không ở mức tăng vọt như năm ngoái. Tuy nhiên, nhà phân tích Falakshahi dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng hằng năm nhưng không nhiều.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh), các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 82,56 USD/thùng trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức trung bình 82,17 USD/thùng trong năm 2023, vì tăng trưởng toàn cầu yếu được dự đoán sẽ hạn chế nhu cầu. Tuy nhiên, các căng thẳng địa chính trị có thể hỗ trợ giá dầu.
Tại Trung Quốc, những dự đoán về các biện pháp kích thích kinh tế tăng lên sau khi hoạt động chế tạo của nước này suy giảm tháng thứ ba trong tháng 12. Các biện pháp này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu và hỗ trợ giá “vàng đen”.
Ngoài ra, theo các nguồn thạo tin, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ dự định sẽ nhóm họp vào đầu tháng Hai, dù vẫn chưa quyết định ngày cụ thể.
Theo TTXVN