Giá dầu thế giới tăng gần 8% trong tháng 1-2021

30/01/2021 - 18:36

Khép lại tháng 1-2021, giá cả hai loại dầu chủ chốt đều tăng xấp xỉ 8%. Phiên giao dịch đầu tuần (25-1), giá dầu thế giới tiến 1%, nhờ tâm lý lạc quan về các biện pháp kích thích mới cho kinh tế Mỹ.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù khởi động tuần này với đà tăng, song hai phiên đi xuống liên tiếp vào cuối tuần đã khiến thị trường dầu mỏ thế giới xóa gần như toàn bộ mức tăng từ đầu tuần. Tuy nhiên, khép lại tháng 1/2021, giá cả hai loại dầu chủ chốt là dầu ngọt nhẹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc đều tăng xấp xỉ 8%.

Phiên giao dịch đầu tuần (25/1), giá dầu thế giới tiến 1%, nhờ tâm lý lạc quan về các biện pháp kích thích mới dành cho kinh tế Mỹ và những dấu hiệu cho thấy, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các cam kết hạn chế nguồn cung.

Chính phủ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của đảng Cộng hòa rằng đề xuất về gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD là quá lớn.  

Chuyên gia Bjornar Tonhaugen, thuộc Rystad Energy, nhận định tân Tổng thống Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thông qua gói cứu trợ trên để hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế và điều này được đánh giá là nhân tố có lợi cho tiêu thụ dầu mỏ.

Thị trường biến động bất nhất trong hai phiên giao dịch liền sau đó, bất chấp sự sụt giảm về dự trữ dầu thô của Mỹ, giữa bối cảnh giới đầu tư vẫn quan ngại rằng diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tiếp tục hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.

Sau cuộc họp chính sách mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lập trường chính sách ôn hòa, qua đó cũng góp phần nâng đỡ thị trường dầu mỏ.

Các quan chức của Fed cho biết ngân hàng này sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và cam kết tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo các nhà phân tích, giá dầu có thể được hưởng lợi do sản lượng dầu của Mỹ giảm vì các quy định ngành chặt chẽ hơn của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Ngày 27/1, Chính phủ Mỹ đã tạm dừng các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất liên bang và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, khi ông Biden quyết tâm theo đuổi các chính sách xanh.

Giá dầu WTI đi xuống trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (28-29/1), do thị trường tập trung hơn vào những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung vắcxin ngừa COVID-19 và các quy định hạn chế đi lại mới tạo áp lực giảm đối với nhu cầu tiêu thụ “vàng đen.”

Kết thúc phiên 29/1, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2020 giảm 14 xu Mỹ  (0,3%), xuống 52,20 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng nhẹ 35 xu (0,6%), lên 55,88 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 0,1%, còn giá dầu Brent lại tăng gần 0,9%. Tuy nhiên, tính trong cả tháng 1/2021, giá dầu WTI tăng 7,6% và giá dầu Brent tăng 7,9%.

Giá dầu mỏ đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 10/2020 sau khi các nước triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của virus corona đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế.

Bob Yawger, Giám độc phụ trách mảng thị trường năng lượng kỳ hạn tại Mizuho (trụ sở New York) cho rằng, gói kích thích kinh tế mới của Mỹ có thể không kịp thời hỗ trợ thị trường. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc giục Quốc hội hành động nhanh chóng đối với đề xuất cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy giá dầu dự kiến sẽ dao động quanh mức hiện tại trong hầu như cả năm 2021 trước khi phục hồi kinh tế tạo được đà tăng trưởng vào cuối năm nay.

Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank chia sẻ rằng, nhu cầu không tăng do các lệnh phong tỏa dung hoà với nguồn cung cắt giảm sẽ khiến giá dầu tăng hoặc giảm không đáng kể.

Saudi Arabia dự kiến cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3/2021. Trong khi đó, mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã cải thiện trong tháng 1/2021.

Khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 1/2021, sau khi OPEC+ đồng ý nới lỏng cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn so với mức thỏa thuận, một phần do xuất khẩu dầu của Nigeria giảm.

Theo NGUYỄN THỊ MINH TRANG (TTXVN)