Giá dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, giá kim loại quý lao dốc

29/11/2021 - 10:55

Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần trước, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá 35 mặt hàng đang giao dịch liên thông với thế giới tại đây. Dù không áp đảo nhưng việc giá dầu thô sụt giảm đến hơn 10% đã gây áp lực lớn và khiến chỉ số MXV-Index giảm mạnh 2,76%.

Dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, kim loại quý lao dốc -0

Biểu đồ MXV-Index.

Bên cạnh việc chỉ số hàng hóa suy yếu, thời gian giao dịch của một số mặt hàng bị thu hẹp lại trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn cũng khiến cho dòng tiền giảm bớt khỏi thị trường này. Giá trị giao dịch trung bình trong tuần vừa rồi chỉ ở mức hơn 3.000 tỷ đồng, giảm khoảng 25% so với tuần trước đó.

Dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, kim loại quý lao dốc -0

Biểu đồ giá trị giao dịch.

Giá các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 11, giá các mặt hàng nông sản trên Sở CBOT diễn biến trái chiều nhau.

Khô đậu tương là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất nhóm nông sản khi đã giảm mạnh đến hơn 4%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Mặc dù giá đậu tương được ảnh hưởng tích cực từ đà phục hồi của giá dầu đậu trong suốt giai đoạn đầu tuần, tuy nhiên áp lực bán từ diễn biến của giá khô đậu, kết hợp với tâm lý bán tháo của toàn thị trường trong phiên cuối tuần trước do tác động bởi cú sập của giá dầu thô, đã khiến giá đậu tương đóng cửa tuần với mức giảm gần 1%.

Dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, kim loại quý lao dốc -0

Bảng giá nông sản.

Hợp đồng ngô tháng 3 tiếp tục tiến sát mức kháng cự tâm lý 600 cents với mức tăng 2,56%. Bất chấp triển vọng mùa vụ thuận lợi tại Nam Mỹ và cam kết của các công ty phân bón Nga về việc sẽ cung cấp đầy đủ lượng phân bón cho Brazil, thông tin nông dân Argentina trì hoãn hoạt động ngô vụ mới cho tới giai đoạn 2 đã làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung và giúp bên mua chiếm thế áp đảo.

Sản lượng ethanol của Mỹ đánh dấu 7 tuần liên tiếp có sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày, cũng đã góp phần củng cố tâm lý tích cực của giới đầu tư. Bên cạnh đó, số liệu bán hàng đạt mức cao kỷ lục cả niên vụ của Mỹ trong báo cáo Export Sales cũng góp phần khiến giá tăng mạnh trở lại dù đã tụt giá mạnh (gap down) sau ngày nghỉ lễ.

Đối với lúa mì, 2 mặt hàng này kết thúc tuần cũng trong sắc xanh nhưng lại trải qua các mức biến động chênh lệch khá lớn. Nguồn cung lúa mì thắt chặt vẫn đang là yếu tố gây ra lo ngại cho thị trường và hỗ trợ giá. Tuy nhiên, thời tiết ổn định hơn tại các nước sản xuất chính cùng với triển vọng nhu cầu tiêu thụ lúa mì trong thức ăn chăn nuôi sẽ giảm bớt khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở châu Âu đang cản trở đà tăng của giá.

Nhóm nguyên liệu công nghiệp phân hóa mạnh

Sự phân hóa mạnh vẫn duy trì trên thị trường nguyên liệu công nghiệp trong tuần vừa qua. Hai mặt hàng cà-phê vẫn là điểm sáng của cả thị trường, với giá Arabica tăng 4,1% lên 242,95 cents/pound, giá Robusta cũng tăng gần 3% lên 2.308 USD/tấn. Giá cà-phê hiện vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ.

Các lý do chính thúc đẩy đà tăng của thị trường cà-phê vẫn là nguồn cung bị thắt chặt khi tiềm năng của vụ mùa 2021/22 bị giảm sút do ảnh hưởng của hạn hán và sương giá trong năm vừa qua. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này thể hiện qua việc mức tồn kho trên Sở ICE US liên tục giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 8 tháng còn 1,68 triệu bao.

Dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, kim loại quý lao dốc -0

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp. 

Giá bông giảm gần 4% trong tuần vừa qua còn 111,8 cents/pound. Triển vọng xuất khẩu của thị trường bông trở nên thiếu khả quan khi mà đồng USD bật tăng mạnh mẽ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu của các nước lớn như Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong thời gian tăng trước đây, thị trường bông đã bị đầu cơ quá mạnh và áp lực thanh khoản đang đè nặng lên rất nhiều nhà đầu tư tổ chức. Áp lực tất toán vị thế lớn đã khiến cho giá bông giảm về mức thấp nhất trong một tháng.

Giá đường cũng đóng cửa trong sắc đỏ, với hợp đồng đường trắng tháng 3/2022 giảm hơn 3% còn 1935 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn giảm 2,2% còn 501,4 USD/tấn. Thị trường đường bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm mạnh của giá dầu thô, khi mà sản lượng mía sẽ được dùng để tăng nguồn cung đường thay vì nguồn cung ethanol.

Quặng sắt tăng ngược chiều thị trường kim loại

Phần lớn các mặt hàng kim loại đều đóng cửa với sắc đỏ trong tuần vừa qua. Sự tăng giá của đồng USD là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm này. Chỉ số Dollar Index hiện ở mức 96,1 điểm. Hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt đóng cửa với mức sụt giảm mạnh. Giá bạc giảm 6,8% còn 231 USD/ounce, giá bạch kim giảm gần 7,9% còn 954,3 USD/ounce.

Ngoài ra, các mặt hàng kim loại còn bị bán tháo bởi những lo ngại về biến thể Covid-19 mới - Omicron - đang lan rộng trên toàn cầu. Hai loại tài sản trú ẩn an toàn được hưởng lợi là giá vàng và trái phiếu chính phủ. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ, Anh, và Đức đồng loạt giảm mạnh trong tuần vừa qua.

Dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, kim loại quý lao dốc -0

Bảng giá các mặt hàng kim loại.

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng giảm gần 3% còn 4,28 USD/pound, giá nhôm cũng giảm 2,4% còn 2.615 USD/tấn. Cả 2 mặt hàng mang tính ứng dụng rộng rãi, và phần nào thể hiện được sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu giảm mạnh trong tuần vừa qua trước những thông tin về biến chủng mới.

Tuy nhiên, chưa thể khẳng định giá các mặt hàng kim loại này sẽ giảm mạnh do các nước đều đã có những kinh nghiệm và chuẩn bị tinh thần đối với các đợt bùng phát dịch mới.

Quặng sắt là một trong những mặt hàng hiếm hoi vẫn duy trì được sắc xanh trên bảng giá với mức đóng cửa tuần cao hơn gần 6% lên 96,23 USD/tấn. Thị trường hồi phục chủ yếu nhờ lực bắt đáy và những triển vọng tích cực trong ngắn hạn đối với ngành bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh vẫn kiên quyết hạn chế sản lượng, sẽ vẫn kìm hãm đà tăng của mặt hàng này.

Giá dầu WTI giảm 5 tuần liên tiếp, mất mốc 70 USD/thùng

Giá dầu giảm tuần thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng do lo ngại về dịch Covid-19. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 10,26% xuống 68,15 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 7,61% xuống 72,89 USD/thùng.

Dầu thô WTI thủng mốc 70 USD, kim loại quý lao dốc -0

Bảng giá các mặt hàng năng lượng.

Lo ngại về các tác động của biến thể mới Omicron đẩy thị trường vào trạng thái hoảng loạn và kích hoạt một loạt các lệnh bán ra. Theo một số nhà phân tích, khi mới chỉ có số ít các nhà đầu tư bám thị trường trong kỳ nghỉ lễ khiến cho vai trò của các thuật toán mạnh lên. Và khi giá dầu lần lượt rơi khỏi các mốc hỗ trợ mạnh, đặc biệt là đường giá trung bình 200 ngày, lực bán càng gia tăng mạnh. Thực chất, biến thể Omicron vẫn chỉ đang xếp loại ở mức “biến thể cần lưu ý” chứ chưa có kết luận chính thức nào về độ nguy hại mà nó gây ra.

Điều này có thể tạo tiền đề để giá tăng trở lại trong tuần mới khi tâm lý thị trường ổn định trở lại. Phần lớn giới phân tích vẫn đang kỳ vọng nền kinh tế thế giới vẫn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Triển vọng trong dài hạn vẫn đang rất tích cực, khi mà các chính phủ và tổ chức đã hành động nhanh chóng để kiểm soát biến thể này lây lan.

Theo THƯƠNG MAI (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích