Trong khi phần lớn các mặt hàng trong nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và đặc biệt là nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc đỏ, thì nguyên liệu kim loại cho thấy xu hướng trái ngược khi ghi nhận các mức tăng đáng chú ý. Đồng Dollar Mỹ suy yếu là nhân tố thúc đẩy lực mua, đặc biệt là nhóm kim loại quý. Đây cũng là nhóm duy nhất đón nhận dòng tiền đầu tư tăng lên đáng kể, với mức tăng hơn 32% trong ngày hôm qua. Chung xu hướng với các thị trường tài chính, tính thanh khoản trong những ngày cuối năm trên thị trường hàng hóa cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở tương đối ổn định, đạt mức gần 3.000 tỷ đồng.
Sức ép từ cả hai phía cung cầu đè nặng lên giá dầu thô
Kết thúc phiên 29/12, giá dầu thô WTI giảm 0,71% về 78,40 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 0,63% về 83,46 USD/thùng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), triển vọng tiêu thụ, vốn đang cải thiện gần đây nhờ kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đang bị lu mờ đi rất nhiều trước nguy cơ xuất hiện một đợt bùng phát dịch trên diện rộng. Chính phủ Trung Quốc đang dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, nhưng việc số ca nhiễm gia tăng tại đây, khiến nhiều quốc gia áp dụng các quy định đi lại chặt chẽ hơn đối với du khách Trung Quốc.
Sức bán áp đảo thị trường dầu ngay từ khi mở cửa, và giá dầu còn giảm mạnh hơn trong phiên tối vì báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung được cải thiện. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ dầu mỏ chiến lược) tăng 0,7 triệu thùng so với tuần trước lên mức 419 triệu thùng. Mặc dù mức dự trữ vẫn thấp hơn 6% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này, nhưng so với mức giảm mạnh 5.9 triệu thùng của tuần kết thúc ngày 16/12, tin tức này vẫn gây sức ép rất lớn tới giá dầu.
Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất lần lượt giảm 3,1 triệu thùng và tăng 0,3 triệu thùng vào tuần trước. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo phản ánh khối lượng tiêu thụ thực tế, tăng mạnh lên 22,8 triệu thùng, cao hơn mức trung bình của bốn tuần là 20,8 triệu thùng. Các tin tức này cũng mang lại một lực hỗ trợ nhỏ với giá dầu, tuy nhiên không đủ để đảo ngược đà giảm do việc tiêu thụ dầu thường có xu hướng tăng vào tuần nghỉ lễ Giáng sinh.
Có thể thấy, báo cáo của EIA cũng tiềm ẩn nhiều thông tin tích cực cho thị trường dầu, tuy nhiên để chắc chắn hơn về bức tranh tiêu thụ, các nhà đầu tư cần phải quan sát số liệu thêm một vài tuần nữa. Lo ngại về nguồn cung hiện cũng giảm bớt khi mà TC Energy cho biết đường ống dẫn dầu Keystone, đã hoạt động bình thường trở lại, sau khi sự cố tràn dầu đã được khắc phục.
Kim loại quý được hưởng lợi từ đà suy yếu của đồng Dollar
Trên thị trường kim loại, nhóm kim loại quý đồng loạt đón nhận lực mua tích cực. Giá vàng tăng 0,6% lên mức 1814,89 USD/ounce. Bạc tăng 1,72% lên mức 24,25 USD/ounce. Bạch kim chốt phiên với mức tăng mạnh nhất trong nhóm kim loại, tăng 3,24% lên 1049,7 USD/ounce.
Vào tối qua, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua với mức tăng 9.000 đơn so với tuần trước, đạt mức 225.000 và là tuần tăng thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy bức tranh thị trường lao động tại Mỹ mặc dù vẫn chưa tiêu cực, nhưng cũng đã gặp một số áp lực nhất định khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy lãi suất lên cao. Đồng Dollar Mỹ suy yếu trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim trong phiên. Bên cạnh đó, lo ngại về suy thoái kinh tế cũng thúc đẩy vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý. Hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các công ty khu vực đồng Euro chậm lại trong tháng 11. Cho vay đối với các doanh nghiệp ở 19 quốc gia thuộc khu vực này đã tăng 8,4% trong tháng 11 sau khi đạt mức 8,9% một tháng trước đó, trong khi tăng trưởng tín dụng hộ gia đình chậm lại từ 4,2% xuống 4,1%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận một phiên biến động mạnh khi lực mua được thúc đẩy trong nửa ngày đầu phiên, nhưng giá nhanh chóng quay đầu trước rủi ro dịch bệnh tại Trung Quốc. Kết thúc phiên, giá đồng COMEX giảm 0,48% xuống 3,82 USD/pound.
Bên cạnh đó, về phía nguồn cung, những gián đoạn xung quanh mỏ đồng Cobre Panama giữa chính phủ Panama và công ty khai thác First Quantum của Canada đang có dấu hiệu tích cực hơn khi cả hai bên đồng ý đàm phán, từ đó góp phần gây áp lực lên giá đồng. Đây là mỏ đồng có thể sản xuất tới 300.000 tấn một năm, tương đương khoảng 1,5% sản lượng đồng trên toàn thế giới.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt tăng 1,74% bất chấp tình hình dịch bệnh tiêu cực tại Trung Quốc. Tồn kho quặng sắt tại các nhà máy thép đang thấp, trong khi nhu cầu sản xuất trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng cao đã hỗ trợ cho giá quặng sắt trong phiên.
Giá thép trong nước biến động không đồng nhất
Với sự phục hồi của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép trong nước cũng đang ghi nhận những biến động đáng chú ý sau gần 2 tháng đi ngang. Đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp thép trong nước đã rục rịch điều chỉnh giá, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất. Trong vòng vài tuần qua, nhiều thương hiệu đã điều chỉnh giá vài lần. Đáng chú ý, thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,74 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng/tấn kể từ cuối tuần qua sau khi liên tục giữ giá. Tuy nhiên, một số thương hiệu khác như thép Việt Ý hay thép Pomina lại ghi nhận mức giá có sự điều chỉnh giảm nhẹ.
Theo MXV, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong đầu năm tới bởi thông thường, đây sẽ là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng và hàng loạt các dự án gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Nhu cầu thép trong năm 2023 có thể tăng mạnh hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn cao. Tuy nhiên, với hi vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường mới trên thế giới, ngành thép sẽ có nhiều cơ hội phục hồi.
Theo Nhân Dân