Tuy nhiên, những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu lại đột ngột giảm mạnh.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong phiên giao dịch hôm 22/2, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm mạnh 19 USD/tấn, về mức 609 USD/tấn. So với mức đỉnh 663 USD/tấn, giá gạo 5% tấm nay đã giảm 54 USD/tấn, tương đương 8,1%.
Ngày 22/2, giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm tới 20 USD/tấn, về ngưỡng 584 USD/tấn.
Tại vựa lúa gạo ĐBSCL, giá lúa gạo tiếp đà giảm, giao dịch mua bán chậm lại. Theo cập nhật của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, bình quân giá lúa tươi được các thương lái mua tại ruộng dao động quanh mốc 7.800-8.700 đồng/kg.
Một số thương lái trước đó cọc lúa giá cao, nay giá giảm về mức thấp muốn bỏ cọc.
Lý giải nguyên nhân giá giá gạo xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, đã vào chính vụ thu hoạch năm 2024 nên nguồn cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng và mong muốn giá có thể giảm sâu hơn.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nguồn cung lúa gạo của các nước xuất khẩu khác ở khu vực châu Á cũng tăng lên.
Song, các doanh nghiệp cũng nhận định xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài. Bởi, những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó bán ra khi hết mùa thu hoạch.
Các dự báo trước đó cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines gia tăng sẽ tác động làm tăng giá gạo xuất khẩu.