Gia tăng ca mắc tay chân miệng nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

09/06/2023 - 14:18

Trong khoảng một tháng gần đây, các bệnh viện trên địa bàn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng. Trong đó, một số em phải chuyển lên tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh điều trị; một số khác được cứu chữa kịp thời nhờ hội chẩn trực tuyến từ xa.

Một trẻ em mắc tay chân miệng điều trị tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục cấp cứu, điều trị thành công các ca bệnh nặng chuyển đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong tuần vừa qua, các bác sĩ đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng độ nặng. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, cả 4 trường hợp này đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng cho kết quả nhiễm virus EV71.

Điển hình là trường hợp bé trai 17 tháng tuổi ở Trà Vinh đã chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng mạch đập nhanh, suy hô hấp, lơ mơ. Bệnh nhi được xác định mắc tay chân miệng độ 3 và tiến triển lên độ 4 chỉ sau 4 giờ nhập viện. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, nhanh chóng thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokin gây sốt cao lên 40 - 41 độ C. Hiện bệnh nhi đáp ứng với những biện pháp hồi sức ban đầu, được điều trị cách ly và theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, đơn vị liên tục nhận được đề nghị hỗ trợ hội chẩn từ xa cho các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng từ các bệnh viện tuyến tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An…

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã liên hệ với bác sĩ Phạm Văn Quang nhờ hội chẩn từ xa cho trường hợp bệnh nhi Nguyễn Phương Ng. (nữ, 23 tháng tuổi, ngụ Thành phố Bạc Liêu) nhập viện vì sốt cao kèm giật mình chới với. Bé sốt 2 ngày, người nhà cho uống hạ sốt nhưng do khi ngủ có giật mình chới với nên đã đưa đi khám và nhập Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 2a. Sau nhập viện 2 giờ, bệnh nhi diễn tiến nặng sang độ 3 với giật mình nhiều, mạch nhanh và tăng huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã điều trị đặc hiệu bằng thuốc Immunoglobulin, vận mạch, chống co giật. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, bé suy hô hấp nặng được đặt nội khí quản thở máy, sốt cao liên tục và rối loạn huyết động học với mạch nhanh 200 lần/phút, huyết áp thấp đe dọa tính mạng bệnh nhi.

Do tình trạng bệnh nhi rất nặng, lo ngại việc chuyển viện không an toàn, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã liên hệ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh nhờ hội chẩn từ xa, hướng dẫn cách xử trí và tiến hành kỹ thuật lọc máu cấp cứu cho bệnh nhi. Nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, qua hội chẩn từ xa, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã thực hiện lọc máu thành công giúp ổn định sinh hiệu và cứu sống trẻ. Sau hơn 2 tuần điều trị, trẻ đã xuất viện khỏe mạnh, không di chứng thần kinh. Trước đó 10 ngày, bác sĩ Phạm Văn Quang đã hội chẩn từ xa, hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu xử trí cứu sống kịp thời bệnh nhi Lê Thái A. (28 tháng tuổi) bị tay chân miệng độ 4, phù phổi cấp đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ lưu ý, hiện nay, bệnh tay chân miệng đã vào mùa. Sự xuất hiện của virus EV71 khiến dịch bệnh lây lan nhanh và gây ra tình trạng nặng ở trẻ em. Do đó, phụ huynh khi thấy trẻ biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, cùng với đó xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật… cần đưa ngay tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo TTXVN