Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC được niêm yết ở mức 87,3-90,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), hạ 1 triệu đồng mỗi lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên hôm trước.
Còn giá vàng nhẫn 9999 tại Doji chốt phiên ở mức 88,3-90,3 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và hạ 800 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với mức chốt hôm trước.
Sau chuỗi kỷ lục liên tiếp, giá vàng thế giới đang chững lại, kết thúc tuần dưới mốc 2.900 USD/ounce do hoạt động chốt lời mạnh mẽ.
Phillip Streible, trưởng nhóm chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, cho biết việc giảm bớt căng thẳng địa chính trị đang làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin về khả năng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Đồng thời, trong khi Trump tiếp tục đe dọa thế giới bằng các mức thuế thương mại mạnh mẽ, ông đã trì hoãn mọi hành động lớn cho đến khi tiến hành đánh giá từng quốc gia, dự kiến hoàn tất vào tháng 4.
Đầu tuần, ông Trump đã công bố mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Giá vàng thế giới giảm. Ảnh: Kitco
Ricardo Evangelista, chuyên gia phân tích cấp cao tại ActivTrades, cho biết, trong bối cảnh bất ổn về kinh tế và địa chính trị cùng sự do dự của Tổng thống Trump, giá vàng tăng đều cho thấy triển vọng. Nhà phân tích kỳ vọng giá vàng sẽ vẫn tăng mạnh vì các chính sách của Mỹ vẫn khó lường.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cho thấy lạm phát hàng năm tăng 3,0% vào tháng 1, cao hơn dự kiến. Người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại lập trường tương đối trung lập của ngân hàng trung ương. Ông cho biết Fed không vội hạ lãi suất vì rủi ro lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường lao động vẫn mạnh.
Dự báo giá vàng
Thị trường vàng đã có khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay, với giá tăng lên mức cao kỷ lục mới trên 2.900 USD/ounce, tăng khoảng 11% tính đến thời điểm hiện tại.
Theo Naeem Aslam, Gám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, giá vàng duy trì sức mạnh ổn định trong một tuần đầy thách thức. Dữ liệu CPI nóng hơn dự kiến và lập trường thận trọng của Fed là yếu tố hỗ trợ, do lo ngại về lạm phát dai dẳng và nhu cầu trú ẩn an toàn.
Aslam cho biết, thông thường, lạm phát cao hơn và việc chậm cắt giảm lãi suất gây áp lực lên vàng. Tuy nhiên, do bất ổn kinh tế, rủi ro lạm phát tiềm ẩn hỗ trợ giá vàng. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương tiếp tục tạo nền tảng cho vàng.
Ngân hàng Bank of America vẫn lạc quan về vàng và duy trì dự báo giá sẽ đạt 3.000 USD/ounce.
Michael Widmer, chiến lược gia hàng hóa tại Bank of America, cho biết lo lắng về thâm hụt ngân sách, tranh chấp thương mại, chiến tranh, lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản của Mỹ, các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư khác đã đẩy giá vàng giao ngay lên mức kỷ lục.
Nhìn về tương lai, khi hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương thống trị thị trường, giá vàng có thể lên 3.500 USD/ounce.