Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 79.400.000 đồng/lượng - 81.420.000 đồng/lượng
DOJI Hà Nội: 79.300.000 đồng/lượng - 81.300.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM: 79.400.000 đồng/lượng - 81.400.000 đồng/lượng
DOJI TP.HCM: 79.300.000 đồng/lượng - 81.300.000 đồng/lượng
Giá vàng quốc tế hôm nay 21/3/2024
Tới 20h20 tối 20/3 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới xuống mức 2.153 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.178 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 20/3 cao hơn khoảng 4,4% (90 USD/ounce) so với cuối năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 65,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 16 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 20/3.
Tuy nhiên, đến đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng vọt lên đỉnh cao lịch sử mới, ở mức trên 2.200 USD/ounce ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết đinh giữ nguyên lãi suất trong phiên họp kết thúc vào rạng sáng 21/3 (giờ Việt Nam) nhưng dự kiến vẫn có kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chưa xác định rõ thời điểm hạ lãi suất nhưng kế hoạch vẫn sẽ diễn ra.
Giá vàng thế giới biến động mạnh trong bối cảnh giới đầu tư mổ xẻ tín hiệu từ phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để rõ hơn về xu hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Gần đây, có thêm những số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững vàng và tiếp tục tăng trưởng. Theo một khảo sát mới đây trên CNBC, có tới 52% khả năng nền kinh tế sẽ “hạ cánh mềm”, thay vì mức 47% trong cuộc khảo sát hồi tháng 1.
Còn khả năng suy thoái giảm xuống 32%, thay vì mức 39% ghi nhận hồi tháng 1.
Trong quá khứ, trong 11 chu kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát của Fed trong 60 năm qua, chỉ có một chu kỳ duy nhất kinh tế Mỹ không suy thoái là vào năm 1944. Tuy nhiên, lần này nhiều khả năng kinh tế Mỹ cũng sẽ không suy thoái sau khi ghi nhận đà tăng trưởng liên tục gần đây.
Những tín hiệu tích cực từ kinh tế Mỹ đã khiến giới đầu tư đánh cược vào khả năng Fed sẽ trì hoãn việc đảo chiều hạ lãi suất. Lạm phát tại Mỹ còn ở mức tương đối cao và Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn muốn kéo về mức mục tiêu 2%.
Việc Fed trì hoãn hạ lãi suất đã khiến đồng USD lên cao.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - vào đầu phiên giao dịch 20/3 trên thị trường Mỹ (đêm 20/3 giờ Việt Nam) nhiều thời điểm vượt ngưỡng 104 điểm.
Dự báo giá vàng
Mặc dù trì hoãn nhưng Fed đã có kế hoạch về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, có thể là 3 lần và thời điểm bắt đầu là vào tháng 6.
Thông thường, Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có nhiều lần hạ lãi suất khi vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng sụt giảm khó tránh khỏi của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác.
Đồng USD giảm sẽ kéo các loại hàng hóa, trong đó có vàng đi lên. Giá vàng thế giới được dự báo có thể lên 2.200-2.400 USD/ounce trong nửa cuối năm 2024 (tương đương mức giá quy đổi theo tỷ giá ngân hàng là 66,8-72,9 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1,4-7,4 triệu đồng mỗi lượng so với hiện tại).
Vàng cũng thường đi lên theo đà tăng của một mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu. Giá dầu gần đây tăng khá mạnh.
Ở trong nước, giá vàng cũng sẽ biến động theo xu hướng tăng của vàng thế giới. Tuy nhiên, hiện giá vàng miếng SJC đắt hơn khoảng 16 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi (theo tỷ giá ngân hàng). Giá vàng nhẫn đắt hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Với mức chênh lớn này, nếu Nhà nước có biện pháp ổn định thị trường vàng, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn có thể sẽ giảm bất chấp giá thế giới có tăng như dự báo nói trên.