Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, vào lúc 6 giờ ngày 12-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent “neo” ở mức 107,1 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng được giao dịch ở mức giảm 1,24 USD, tương đương 1,19 %, xuống mức 102,8 USD/thùng.
Giá dầu chỉ giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 11-7 khi thị trường cân bằng nhu cầu giảm dự kiến do xét nghiệm Covid-19 ở diện rộng tại Thượng Hải (Trung Quốc) và những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 8 cent, tương đương 0,1%, lên 107,1 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 70 cent, tương đương 0,7% xuống 104,09 USD/thùng.
Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất, lãi suất mở trong hợp đồng tương lai của New York Mercantile Exchange (NYMEX) đã giảm vào ngày 7-7 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2015 do các nhà đầu tư cắt giảm tài sản rủi ro.
Tuần trước, các nhà đầu cơ dầu mỏ đã cắt giảm các vị thế quyền chọn và hợp đồng tương lai ròng của họ trên sàn giao dịch NYMEX và Intercontinental xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020.
Theo các nhà phân tích tại EBW Analytics, thị trường dầu đang bị kéo theo hai hướng với một hướng là các nguyên tắc cơ bản về vật chất thắt chặt và hướng kia là những lo ngại về nhu cầu trong tương lai và các dấu hiệu của sự phá hủy nhu cầu do giá gây ra.
Trong phiên giao dịch khai tuần, thị trường dầu đã khá náo động trước thông tin rằng Trung Quốc đã phát hiện ra trường hợp đầu tiên về biến thể phụ của Omicron với mức lây nhiễm cao ở Thượng Hải. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc xét nghiệm hàng loạt khác và chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu nhiên liệu.
Investec Risk Solutions nhận xét tác động tổng hợp của mối lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu và đợt bùng phát mới Covid-19 khó có thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn đối với các thị trường dầu mỏ.
Cũng gây áp lực lên dầu chính là việc đồng bạc xanh tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2022 so với rổ tiền tệ khác. Sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ làm giảm nhu cầu đối với dầu bởi giá nhiên liệu này trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Giá dầu vẫn biến động nhẹ. Ảnh minh họa: Getty
Thị trường cũng vẫn đang hoang mang về kế hoạch áp trần giá đối với dầu của Nga của các quốc gia phương Tây, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt thêm nữa có thể dẫn đến hậu quả "thảm khốc" trên thị trường năng lượng toàn cầu.
JP Morgan cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng bởi lo ngại về khả năng ngừng cung cấp hàng hóa của Nga và suy thoái có thể xảy ra.
Ngân hàng này đưa ra hai mặt của rủi ro vĩ mô. Một mặt, việc giảm xuất khẩu dầu của Nga 3 triệu thùng/ngày là một mối đe dọa và nếu điều đó diễn ra sẽ khiến giá dầu thô Brent tăng vọt lên khoảng 190 USD/thùng. Mặt khác, tác động của việc tăng trưởng nhu cầu thấp hơn đáng kể trong các kịch bản suy thoái sẽ khiến giá dầu thô Brent rớt xuống khoảng 90 USD/thùng trong một cuộc suy thoái nhẹ và 78 USD/thùng trong một kịch bản suy thoái nghiêm trọng hơn.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương lúc 0 giờ ngày 11-7.
Đây là lần giảm thứ 2 của mặt hàng xăng sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay (hơn 3.000 đồng/lít). Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)