Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 5 giờ 50 phút ngày 14-9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 chững ở mức 93,17 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 87,67 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,41%.
Giá xăng dầu không ngừng biến động. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu giảm gần 1% trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 13-9. Dầu thô trượt giá so với mức tăng đầu phiên do lo ngại giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8 sẽ tạo điều kiện cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện một đợt tăng lãi suất khủng nữa vào tuần tới.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 11 giảm 83 cent, tương đương 0,88%, xuống mức 93,17 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 47 cent, tương đương 0,5% xuống mức 87,31 USD/thùng.
Mức thấp nhất trong phiên của dầu thô Brent là 91,05 USD/thùng, và mức cao nhất là 95,53 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô WTI chạm mức thấp nhất trong phiên là 85,06 USD//thùng, và cao nhất là 89,31 USD/thùng.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 của nước này đã tăng 0,1% sau khi không đổi trước đó 1 tháng.
Với mức tăng nhẹ chỉ số giá tiêu dùng này, cùng với mức lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ, các chuyên gia dự báo nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh tại cuộc họp diễn ra vào thứ 3 và 4 tuần sau.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao về giao dịch của BOK Financial cho biết Fed có thể phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến và điều này có thể gây ra tâm lý rủi ro giảm giá đối với dầu thô và tăng thêm sức mạnh cho đồng USD.
Việc gia hạn các hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - cũng tác động không nhỏ đến giá dầu thô. Trong kỳ nghỉ Tết Trung thu kéo dài 3 ngày vừa qua của Trung Quốc, số lượng các chuyến du lịch giảm kéo theo doanh thu du lịch giảm.
Cả hai hợp đồng dầu thô Brent và WTI đều đã tăng hơn 1,5 USD/thùng trước đó trong phiên bởi lo ngại về việc thắt chặt dự trữ dầu.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã giảm 8,4 triệu thùng xuống 434,1 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10-1984.
Giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng-giảm không ngừng trong phiên giao dịch. Ảnh minh họa: Oilprice
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 6,035 triệu thùng, tăng cao so với mức giảm 200.000 thùng theo dự đoán của các nhà phân tích. Dự trữ xăng của Mỹ giảm 3,23 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,75 triệu thùng.
Trong khi đó, triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của phương Tây với Iran vẫn còn mờ mịt. Ngày 12-9, Đức bày tỏ sự tiếc nuối khi Tehran đã không phản ứng tích cực với các đề xuất của châu Âu nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết một thỏa thuận khó có thể xảy ra trong thời gian tới.
Ngày 13-9, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023, viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những khó khăn như lạm phát gia tăng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.231 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.215 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.180 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.418 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.039 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành giá chiều 12-9, giá xăng dầu trong nước nói trên đã được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm hơn 1.000 đồng/lít (kg). Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp của mặt hàng xăng trong nước.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)