Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (15/2) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, trong kỳ điều hành hôm nay, giá xăng dầu trong nước có khả năng tăng theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 620-730 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng từ 700-740 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ Bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất (ngày 8/2), giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh giảm. Trong đó, giá xăng RON 95 giảm về sát mức 23.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 790 đồng/lít, giá bán là 22.120 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 900 đồng/lít, giá xuống còn 23.260 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 290 đồng/lít, giá bán lẻ là 20.700 đồng/lít. Còn giá dầu hoả giảm 340 đồng/lít, xuống mức 20.580 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 15/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 15/2 tiếp đà đi lên, cán mốc 83 USD/thùng.
Ngày 14/2, giá xăng dầu quốc tế giảm nhẹ đầu phiên nhưng sau đó lại đảo chiều tăng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 18h11' ngày 14/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 83,07 USD/thùng, tăng 0,3 USD, tương đương 0,36% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78,08 USD/thùng, tăng 0,21 USD, tương đương 0,27% so với phiên liền trước.
Giá dầu tăng khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì dự đoán nhu cầu dầu tăng khá mạnh trong năm nay và sản lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ giảm mạnh.
Trong báo cáo được công bố vào ngày 13/2, OPEC nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và tăng 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Mức tăng trưởng này không đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo vào tháng trước.
Nhóm OPEC và các đồng minh (được gọi là OPEC+) vào tháng 3 sẽ quyết định xem có nên gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện hay không.
Trong khi đó, số liệu mới đây của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy lượng xăng và sản phẩm chưng cất dự trữ của nước này giảm 7,23 triệu thùng và 4,02 triệu thùng vào tuần trước, giảm mạnh hơn so với dự đoán trước đó của các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, rủi ro chiến sự ở Trung Đông có nguy cơ leo thang hơn nữa cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng nguồn cung dầu.
Tin tức về việc Mỹ từ chối đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine khiến lo ngại chiến tranh leo thang hơn nữa ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung trong tương lai.
Cùng với đó, các cuộc không kích của Israel vào thành phố Rafah của Gaza, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ đề xuất ngừng bắn, đã làm gia tăng những lo ngại về địa chính trị.