Giá xăng dầu thế giới
Trong phiên giao dịch không ổn định vào ngày 22-7, giá “vàng đen” đã trượt trong khoảng 0,5 tới gần 2 USD sau khi Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ cho phép các doanh nghiệp nhà nước của Nga vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo sự điều chỉnh của các biện pháp trừng phạt đã được các quốc gia thành viên nhất trí trong tuần. Động thái mới này của EU đã góp phần đẩy giá dầu thô WTI của Mỹ, lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, xuống dưới mức 95 USD/thùng.
Giá dầu đang hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Businesstoday
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 22-7, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,65 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 94,70 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 66 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 103,20 USD/thùng.
Với mức giảm trong phiên cuối cùng của tuần giao dịch, dầu thô WTI đã thiết lập cú hat-trick tuần giảm giá. Hai phiên trước đó, giá dầu thô WTI cũng “lao dốc không phanh” sau khi thị trường tiếp nhận dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng của Mỹ vào giữa mùa lái xe cao điểm mùa hè năm nay đã giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2021 do giá bán xăng cao kỷ lục ở nước này.
Ngược lại, dầu Brent, lần đầu tiên trong vòng 6 tuần qua, đã có một tuần tăng.
Giao dịch dầu kỳ hạn đã liên tục biến động trong những tuần gần đây khi các nhà giao dịch cố gắng “điều hòa” các khả năng tăng lãi suất hơn nữa của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể cắt giảm nhu cầu trước nguồn cung thắt chặt do sự “vắng mặt” của các thùng dầu của Nga.
Theo sự điều chình mới nhất các biện páp trừng phạt của EU đối với Nga, Rosneft và Gazprom, hai doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của Nga, sẽ có thể vận chuyển dầu tới các nước thứ ba trong một nỗ lực hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
Theo các điều chỉnh có hiệu lực từ 22-7 này, các khoản thanh toán liên quan đến việc mua dầu thô theo đường biển của Nga của các công ty EU sẽ không còn bị cấm nữa.
Thông báo của EU được đưa ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết họ sẽ không cung cấp dầu thô cho các nước quyết định áp đặt giá trần lên dầu của Nga và thay vào đó chuyển hướng sang các nước sẵn sàng hợp tác với Nga.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao về giao dịch của BOK Financial cho biết, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và EU sẽ áp mức trần giá đối với dầu Nga vào cuối năm nay.
Ông cũng viện dẫn rằng, lịch sử đã cho thấy mức giá trần do chính phủ áp lên hàng hóa thường chỉ “tồn tại” trong thời gian ngắn và có thể đẩy giá “leo dốc”.
Đà tăng giá của dầu thô đã bị kìm lại do lo ngại về việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và việc khôi phục sản lượng của Libya. Ảnh minh họa: Bloomberg
Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu thô đã bị kìm lại do lo ngại về việc tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu và Libya đã khôi phục dần sản lượng của mình. Sản lượng dầu của Libya hiện ở mức hơn 800.000 thùng/ngày và sẽ đạt được mức cũ là 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng tới.
Trong khi đó, Iraq có khả năng sẽ tăng sản lượng dầu thêm 200.000 thùng/ngày trong năm nay để đáp ứng nhu cầu.
Hiện có nhiều dữ liệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu có vẻ ngày càng suy thoái nghiêm trọng, và các ngân hàng trung ương tích cực đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo được áp dụng trong thời kỳ đại dịch để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngày 21-7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản, để kiềm chế lạm phát.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản thay vì 100 điểm cơ bản.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.070 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.858 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.246 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)