Giá xăng dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28-6, giá dầu tăng khá khi các nhà sản xuất lớn như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dường như không thể tăng sản lượng đáng kể trong khi các chính phủ phương Tây tìm cách áp mức giá trần đối với dầu của Nga.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã tăng 2,89 USD, tương đương 2,51%, lên 118 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng đã “bỏ túi” 2,19 USD, tương đương 2%, lên mức 111,76 USD/thùng.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp tục đẩy giá dầu tăng tốc. Ảnh minh họa: Businesstoday
Cả hai hợp đồng này đã kéo dài mức tăng của phiên trước lên gần 2% sau khi các nhà lãnh đạo G7 đồng ý tìm hiểu việc áp đặt lệnh cấm vận chuyển dầu của Nga đã được bán trên một mức giá nhất định, nhằm mục đích làm cạn kiệt "hòm chiến tranh" của Moscow.
Theo báo cáo tháng 6 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng trong tháng 5 ngay cả khi khối lượng giảm.
Các lệnh cấm của phương Tây đối với Nga và sản lượng dầu khí của nước này đã khiến giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong khi các nhà sản xuất dầu lớn khác vẫn chưa thực hiện một đợt tăng nguồn cung đáng kể nào.
Ả Rập Xê-út và UAE được coi là hai thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có năng lực dự phòng để bù đắp cho nguồn cung bị mất của Nga và sản lượng yếu từ các quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, nhà phân tích hàng hóa Tobin Gorey của Commonwealth Bank lưu ý rằng, một loạt tin tức về nguồn cung thắt chặt đã củng cố thị trường. Hai nhà sản xuất lớn là Ả Rập Xê-út và UAE được cho là đang ở gần hoặc rất gần với giới hạn công suất của mình.
Trong khi đó, bên lề cuộc họp của G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng UAE đang sản xuất ở công suất tối đa và Ả Rập Xê-út có thể tăng sản lượng chỉ 150.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất dự phòng khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết có vẻ như những thùng dầu trữ "ngày mưa" mà thị trường đang dựa vào có thể không xuất hiện.
Trước đó, ngày 27-6, Bộ trưởng Năng lượng Suhail al-Mazrouei cho biết UAE đang sản xuất gần công suất tối đa dựa trên hạn ngạch 3,168 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận với OPEC và các đồng minh (OPEC+)
Các nhà phân tích cũng cho rằng bất ổn chính trị vẫn chưa đến hồi kết ở Ecuador và Libya có thể sẽ thắt chặt nguồn cung hơn nữa.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ giảm trong hai tuần qua. Báo cáo tình hình xăng dầu hằng tuần của chính phủ Mỹ cho cả tuần trước và tuần trước nữa sẽ được công bố trong ngày hôm nay. Tuần trước, báo cáo này đã bị trì hoãn vì vấn đề kỹ thuật.
Dự trữ dầu thô của Mỹ dự báo giảm. Ảnh minh họa: Reuters
Oilprice dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm mạnh trong tuần này là 3,799 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 110.000 thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 71 triệu thùng kể từ đầu năm 2021 và khoảng 15 triệu thùng kể từ đầu năm 2020, theo dữ liệu của API.
Trong tuần trước, API báo cáo dự trữ dầu thô tăng 5,607 triệu thùng - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2 - sau khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 1,433 triệu thùng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường đã dẫn đến sự phục hồi của giá “vàng đen” trong tuần này, ngược hẳn so với những lo lắng suy thoái đè nặng lên giá cả hai tuần trước đó.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 29-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.873 đồng/lít; dầu diesel không quá 30.019 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.785 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.735 đồng/kg.
Thời gian qua, giá dầu thế giới đã trượt dốc vì vậy, nhiều khả năng tại kỳ điều hành giá chiều 1-7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm cũng sẽ khá khiêm tốn.
Nếu đúng như dự báo thì đây sẽ là lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng giá liên tiếp của mặt hàng xăng trong nước.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)