Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 8-9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent “neo” ở mức 88 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 81,81 USD/thùng, giảm 0,13 USD, tương đương 0,16%.
Giá xăng dầu tiếp tục lao dốc. Ảnh minh họa: Reuters
Lo ngại rủi ro suy thoái toàn cầu cùng với dự trữ dầu thô tăng tại Mỹ đã đẩy giá xăng dầu trượt dài trong phiên giao dịch ngày 7-9.
Giá dầu thô Brent giao tháng 11 giảm mạnh tới 4,83 USD, tương đương 5,2%, xuống mức 88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8-2 dầu thô tiêu chuẩn hàng đầu thế giới giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng.
Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng lao dốc tới 5,7%, tương đương 4,94 USD, xuống mức 81,94 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng Giêng.
Lý giải về sự giảm mạnh của giá dầu thô, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết hiện thị trường đang có những lo ngại về điều gì sẽ xảy ra khi giá năng lượng ở châu Âu tăng mạnh, nhu cầu ở châu Âu chậm lại và lãi suất tăng.
Một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Riêng với Mỹ, các nhà kinh tế cho rằng, xứ sở cờ hoa đã có vẻ chống chọi tốt với những “cơn bão”. Điều này đã hỗ trợ đồng USD tăng lên mức đỉnh trong vòng 24 năm so với đồng yên và mức cao nhất trong vòng 37 năm so với đồng bảng Anh. Đồng bạc xanh mạnh hơn cũng gây áp lực lên giá dầu, vì hầu hết các giao dịch bán dầu trên toàn thế giới được giao dịch bằng USD.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh (0,75) trong hôm nay. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 21-9. Hiện vẫn chưa rõ Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 hay 75 điểm cơ bản bởi quyết định cuối cùng vẫn phải dựa vào toàn bộ các dữ liệu kinh tế của Mỹ trước thềm cuộc họp.
Ngày 7-9, Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm lên 3,25% - mức cao nhất trong 14 năm. Không loại trừ khả năng ngân hàng này tiếp tục sẽ tăng lãi suất để chống lại lạm phát đang hoành hành.
Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và chính sách “Không Covid” nghiêm ngặt của nước này đã làm gia tăng lo ngại về nhu cầu. Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 8 đã giảm 9,4% so với một năm trước đó.
Giá dầu biến động còn bởi tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng nước này sẽ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt nếu trần giá đối với dầu và khí đốt Nga được áp dụng.
Giá xăng dầu liên tục biến động. Ảnh minh họa: Reuters
Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp trần giá đối với khí đốt của Nga. Điều này làm tăng nguy cơ phân chia khẩu phần ở một số quốc gia giàu nhất thế giới trong mùa đông này.
Gazprom của Nga đã ngăn dòng chảy khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, việc ngừng hoạt động của đường ống Nord Stream 1 làm tăng khả năng suy thoái trong khu vực đồng Euro.
Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 3,645 triệu thùng, ngược so với dự đoán giảm 733.000 thùng của các nhà phân tích; tồn kho xăng giảm 836.000 thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,833 triệu thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8-9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.359 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.230 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.188 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.445 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.077 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 5-9 với giá xăng RON 95 giảm 439 đồng/lít, giá dầu tăng quanh mốc 1.400 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 471 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 9 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)