Đầu ngày 16/4, trên Oilprice giá dầu Brent giao dịch ở mức 86,31 USD/thùng, tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,26%; trong khi đó dầu WTI giao dịch mức 82,52 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương ứng tăng 0,44%. Dù không tăng mạnh như mấy phiên trước nhưng giá dầu Brent và dầu WTI vẫn đang neo ở mức rất cao so tuần trước.
Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong tuần trước, riêng dầu Brent vượt ngưỡng 86 USD/thùng. (Ảnh: Công Hiếu)
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới gần đây tăng cao sau số liệu mới về lạm phát tại Mỹ được công bố, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo cắt giảm thêm sản lượng từ tháng 5 và nhu cầu mạnh ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ... Cụ thể, theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này hầu như không tăng trong tháng Ba do giá xăng dầu giảm. CPI của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 3, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 5% trong tháng 3, giảm so với mức tăng 6% của tháng 2 và là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ 5/2021.
Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada nhận định chỉ số CPI của Mỹ yếu hơn đã làm dấy lên nghi vấn về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất vào tháng tới hay không. Đồn đoán lãi suất giảm đang giúp xoa dịu mối lo ngại về suy thoái kinh tế và đồng thời hỗ trợ giá các tài sản định giá bằng đồng USD như dầu.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới cũng có xu hướng tăng do khả năng Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế, nhu cầu mạnh ở phần còn lại của châu Á và dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm. Ông Tina Teng thuộc trung tâm CMC Markets nhận định rằng chỉ số CPI tháng 3/2023 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, điều có thể thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc kích thích nền kinh tế hơn nữa. Ngoài ra, nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh ở Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, cũng hỗ trợ giá dầu.
Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định giá bán lẻ mặt hàng này tại kỳ điều chỉnh tới có thể tăng nhẹ nếu giá dầu thế giới tiếp tục neo cao. Mức tăng còn phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới những ngày tới và điều hành quỹ bình ổn giá (BOG).
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng 16/4 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 11/4 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 1.072 đồng/lít, lên 23.173 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.120 đồng/lít, lên mức 24.245 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 719 đồng/lít lên 20.149 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 702 đồng/lít lên 17.739 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 765 đồng/kg lên 15.194 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định trích lập quỹ bình ổn 150 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, 300 đồng/lít với xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa. Cơ quan quản lý quyết định chỉ chi quỹ bình ổn 300 đồng/kg với dầu mazut.
Theo cơ quan quản lý, thị trường xăng dầu thế giới trước kỳ điều hành ngày 11/4 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như việc OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng cắt giảm tự nguyện từ tháng 5 lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày để ổn định thị trường toàn cầu; tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu…
"Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng", báo cáo của liên Bộ Tài chính - Công Thương nêu.
Theo HÒA BÌNH (VTC News)