Theo lịch, chiều 1/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày một lần. Tuy nhiên, do trùng vào ngày nghỉ nên kỳ điều hành giá này sẽ được lùi sang ngày làm việc đầu tuần tiếp theo (ngày 3/4).
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương ghi nhận giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này tăng, giảm trái chiều so với kỳ điều hành trước đó (ngày 21/3).
Theo đó, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ ngày 22-27/3 là 93,357 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 là 97,905 USD/thùng. Trong khi ở chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore là 92,242 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 96,512 USD/thùng.
Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 từ ngày 22-27/3 tăng 1,115 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 tăng 1,393 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/3 cũng tăng, giảm trái chiều so với chu kỳ trước.
Cụ thể, bình quân giá dầu diesel là 96,59 USD/thùng, dầu hỏa là 94,913 USD/thùng, dầu mazut là 401,128 USD/tấn. Ở chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel là 96,317 USD/thùng, dầu hỏa là 97,152 USD/thùng và dầu mazut là 412,637 USD/tấn.
So với chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel từ 22-27/3 tăng 0,273 USD/thùng, dầu hỏa giảm 2,239 USD/thùng, dầu mazut giảm 11,509 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô thời gian gần đây diễn biến thất thường nhưng xu hướng chung là tăng.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng do lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu từ Iraq và thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm. Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga.
Cùng với đó, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi nhu cầu dầu thô của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng lên còn do đồng USD lao dốc khi thị trường đặt cược vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên mức lãi suất vào tháng 5 và có kế hoạch hạ nhiệt lãi suất từ tháng 6/2023.
Ở phiên kết thúc tuần này, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 79,89 USD/thùng, giá dầu WTI chốt tuần ở mức 75,67 USD/thùng.
Giá xăng trong nước được dự báo tăng vào ngày mai (Ảnh: Tuấn Anh)
Diễn biến của giá xăng nhập và giá xăng dầu thế giới gần đây sẽ tác động đến kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, diễn ra vào ngày 3/4.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành ngày 3/4, giá bán lẻ xăng trong nước có thể tăng nhẹ. Trong khi đó, giá dầu diesel có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ; giá dầu hỏa và dầu mazut có khả năng giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức thay đổi cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá.
Theo dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước vào chiều 3/4 có thể được điều chỉnh tăng từ 220-280 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 380 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 190 đồng/kg.
Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào ngày mai sẽ quay đầu tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 4 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 21/3), giá các mặt hàng xăng được điều chỉnh giảm.
Theo đó, giá xăng E5 giảm 780 đồng/lít, giá bán là 22.020 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 780 đồng/lít, về mức giá 23.030 đồng/lít.
Tương tự, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm. Giá dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít, giá bán là 19.300 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít, giá bán là 19.640 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 800 đồng, bán ra là 14.479 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít; dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Đồng thời, nhà điều hành cũng không chi Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.
Theo HẠNH NGUYÊN (Vietnamnet)