Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất: để giảm thiểu sự xói lở ở ĐBSCL thời gian tới các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực cần hành động quyết liệt ngăn chặn việc xây dựng các hồ chứa trên dòng chính MêKông; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát; quy hoạch đường giao thông và khu dân cư xa bờ sông, kênh, rạch.
Các chuyên gia trong nước, quốc tế còn đề xuất nhiều giải pháp khả thi, như: tập trung nạo vét mở rộng lòng sông phía bờ đối diện và kết hợp xây dựng kè bảo vệ, gia cố cho khu vực đang sạt lở. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Công Vấn, Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi MêKông phân tích: hầu hết các công trình khắc phục sạt lở tại ĐBSCL thời gian qua được nhà nước đầu tư lớn với các kết cấu bền vững, bước đầu phát huy tác dụng ngăn chặn quá trình sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng hoành tráng quá mức tốn kém. Cần tìm kiếm các giải pháp phòng, chống, khắc phục sạt lở có chi phí thấp, thân thiện với tự nhiên, như giải pháp thi công thảm cát kết hợp với các bao cát sinh thái xử lý các điểm sạt lở nghiêm trọng, thậm chí người dân có thể tự thực hiện được. Chi phí xử lý các điểm sạt lở do sóng tàu, thuyền (không có hố xói sâu) chỉ khoảng trên 10 triệu đồng cho 1m dài bờ sông được bảo vệ, trong khi các kè cứng quy mô tương tự cần chi phí từ 40-50 triệu đồng.
Các giải pháp công trình khắc phục sạt lở tại An Giang
Các chuyên gia cũng cho rằng các tỉnh, thành phố trong khu vực cần gấp rút thực hiện khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở dọc theo các bờ sông quan trọng để đánh giá mức độ nguy cơ sạt lở và thực hiện trước giải pháp công trình ngăn chặn nguy cơ sạt lở, thay vì sạt lở xảy ra rồi mới tập trung xử lý rất tốn kém...
Thực tế, để ứng phó khẩn cấp với sạt lở, thời gian qua, bên cạnh giải pháp di dời dân cư, các hạ tầng cơ sở quan trọng ra khỏi khu vực nguy hiểm do sạt lở gây ra, nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều công trình hiện đại bảo vệ bờ sông, kênh, rạch để chống sạt lở trên diện rộng. Phương án chủ yếu là gia cố bờ sông khắc phục sạt lở trong các dự án đầu tư bằng kinh phí của nhà nước như: gia cố mái sông tự nhiên bằng thảm đá, gia cố bằng các lăng trụ bê- tông hay tấm đal bê-tông cốt thép, gia cố bằng thảm bê-tông tự chèn; gia cố mái sông tự nhiên bằng kè đứng bảo vệ bờ bằng cừ bê-tông cốt thép dự ứng lực... Tuy nhiên hầu hết các công trình khắc phục sạt lở tại ĐBSCL trong thời gian qua được nhà nước đầu tư lớn với các kết cấu bền vững, bước đầu phát huy tác dụng ngăn chặn quá trình sạt lở bờ sông, đôi chỗ kết hợp hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Song nhiều công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở được một số địa phương xây dựng hoành tráng quá mức so với hiện trạng khu vực đất cần được bảo vệ, một số kè sông kiên cố bằng bê-tông cốt thép chỉ để bảo vệ khu vực đất nông nghiệp, vừa tốn kém mà không thân thiện với tự nhiên; không ít các công trình được xây dựng bằng kết cấu bê-tông cốt thép chống sạt lở vẫn không thể kiên cố và sụp đổ ngay khi còn chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất nhóm giải pháp công trình hỗ trợ và giảm nhẹ sạt lở thân thiện với môi trường cần được áp dụng tại ĐBSCLnhư, trồng các loại cây chắn sóng (phần dưới nước là cây dừa nước, đước, bần), phần trên khô là các loại cỏ. Bảo vệ bờ cho khu vực bị sạt lở bề mặt (bờ sông, chân đường giao thông, sau các cống ngăn triều...) thực hiện kè tường đứng, bó cành cây, bao đất, cát chống sóng được kết với nhau bằng những thanh tre, gỗ hay thép. Đối với bảo vệ bờ sông, rạch khu vực thị trấn, nơi đông dân cư cần thực hiện giải pháp công trình kè mái nghiêng, kè tường đứng kết hợp mái nghiêng, kè bản sàn, kè tường đứng cừ ván bê-tông cố thép dự ứng lực sẽ chống sạt lở và kết hợp chỉnh trang đô thị. Bảo vệ bờ cho những khu vực có dòng chạy vận tốc lớn, có hố xói sâu cần lấp hố xói giữ chân mái bờ sau đó xây dựng thân kè và đỉnh kè như giải pháp công trình bảo vệ trực tiếp kiên cố.
Cần phương án gia cố hoặc khảo sát tuyến thay thế các tuyến đường giao thông có nguy cơ hoặc sạt lở nguy hiểm
"Về lâu dài, để có giải pháp phòng, chống và khắc phục sạt lở mang lại hiệu quả cao, mang tính bền vững và có lộ trình đầu tư thích hợp thì việc lập quy hoạch chỉnh trị sông cho toàn bộ hệ thống sông, kênh, rạch chính trên địa bàn các tỉnh trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết"- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất.
Theo UBND tỉnh An Giang: để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, các địa phương có phương án rà soát, khảo sát, thiết kế, gia cố hoặc khảo sát tuyến thay thế các tuyến đường giao thông có nguy cơ hoặc sạt lở nguy hiểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học khảo sát chi tiết các đoạn đã cảnh báo sạt lở đề xuất các giải pháp công trình để gia cố hạn chế sạt lở: thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng… Giải pháp căn cơ lâu dài điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, chấn chỉnh và siết chặt, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép. Đặc biệt chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh, rạch và khu vực cảnh báo sạt lở; không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU