(Ảnh minh họa: Minh Phú/TTXVN)
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn và các hộ kinh doanh.
Cạnh tranh trong thị trường ngành bán lẻ cũng vô cùng khốc liệt bởi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, đối thủ cũng không ngừng cải tiến để trở nên chuyên nghiệp và hiện đại.
Từ giờ tới cuối năm, các doanh nghiệp sẽ chỉ còn chưa đầy 4 tháng để hoàn thành kế hoạch và các mục tiêu đề ra như mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng để gia tăng sản xuất thương mại.
Vì thế, hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ là 1 thách thức rất lớn, "buộc lòng" cần có những cơ chế kịp thời từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, các địa phương và từ chính nội lực của doanh nghiệp.
Nhận định về bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Theo đánh giá độc lập của một công ty nghiên cứu thị trường, sự hấp dẫn này đến từ quy mô dân số Việt Nam ở mức tương đối cao, tỉ lệ tham gia của nhà bán lẻ hiện đại vẫn còn rất thấp, chỉ hơn 20% nên dư địa phát triển còn rất nhiều.
Tuy nhiên, hạn chế của thị trường bán lẻ hiện nay là chưa có sự tập trung, thiếu vắng những nhà bán lẻ vận hành quy mô lớn, đặc biệt là đối với ngành liên quan đến thương mại điện tử.
"Cảm giác các nhà bán lẻ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn khá manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo được nguồn lực lớn để phát triển," ông Đức nói.
Ngoài ra, còn hạn chế khác là nguồn lực của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn lép vế so với nhà bán lẻ ngoại. Sự suy giảm sức mua trong ngành bán lẻ ở thời điểm gần đây cũng là những phản ánh đầu tiên cho thấy thách thức hiện hữu mà ngành này đang phải đối mặt và cần có những động thái để thích ứng và thay đổi với xu thế thời cuộc, với sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.
Cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía những chính sách, giải pháp tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử như việc giảm thuế giá trị gia tăng mới đây từ 10% về 8%, các doanh nghiệp bán lẻ phải thực hiện rất nhanh để mặt bằng giá mới có thể hỗ trợ sức mua thị trường. Hay như giải pháp liên quan đến việc hợp tác của các đơn vị thuộc ngành bán lẻ, tạo nên sự kích cầu mang tính chất tổng thể của nền kinh tế để có những hỗ trợ tốt hơn.
Hàng hóa bày bán tại siêu thị Lan Chi, đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Các nhà bán lẻ phải là đơn vị phản ánh tiếng nói trực tiếp của người tiêu dùng, của đơn vị sản xuất để tạo nên chuỗi toàn diện trong cung cầu giai đoạn hiện nay.
Bản thân Saigon Co.op cũng đang có những thương thảo với Saigontourist Group, Vietravel... thực hiện những chương trình kích cầu chéo này, ông Đức chia sẻ.
Ông Đức khuyến nghị: "Với tiềm lực và nguồn lực có hạn, doanh nghiệp bán lẻ trong nước không nên dùng tài chính để cạnh tranh trực tiếp với các 'ông lớn' ngoại nhiều tiền.
Doanh nghiệp cần cạnh tranh bằng lợi thế cốt lõi, thị trường nào mình hiểu nhất, mô hình bán lẻ mình làm tốt nhất, tránh dàn trải với quy mô quá lớn. Chúng ta có thể không phải là những nhà bán lẻ có quy mô lớn nhất nhưng sẽ là nhà bán lẻ chuyên nghiệp nhất, càng đông bán lẻ nội địa tham gia thị trường thì tỉ trọng của bán lẻ nội địa càng cao hơn."
Ở góc độ nghiên cứu, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cùng với những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nên tảng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà bán lẻ nội địa đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Hội nhập quốc tế về cả kinh tế, công nghệ và văn hóa được thúc đẩy bởi chính những xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên sẽ tác động nhanh, mạnh hơn đến thị trường bán lẻ Việt Nam. trong những năm tới đây.
Sự thay đổi về nhân khẩu học xã hội của người tiêu dùng sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, tạo nên nhu cầu và mong muốn ngày càng mở rộng và đa dạng.
Cùng với đó là sự thay đổi về độ tuổi trung bình, các bệnh lý liên quan... cũng có thể kéo theo những tác động đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng và ngành bán lẻ.
Vì thế, cùng với hội nhập quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp ngành bán lẻ không còn đơn thuần là mua và bán một mặt hàng mà sẽ phải mở rộng ra cả những dịch vụ hỗ trợ và trải nghiệm tiêu dùng.
Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ liên tục cần phải đổi mới các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng ở chặng cuối như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày, ứng dụng các công cụ trực tuyến để giúp khách hàng lựa chọn/thử hàng/chuyển đổi/trả hàng (ví dụ quần áo, giày, dép), cũng như thanh toán điện tử nhanh chóng, thuận tiện nhất có thể...
Đó sẽ là những thay đổi to lớn mà nếu doanh nghiệp bán lẻ không thích ứng sẽ khó đứng vững trên thị trường, bà Đinh Thị Bảo Linh nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo TTXVN