Giải quyết bãi rác ô nhiễm môi trường - một quá trình dài

20/07/2022 - 07:48

 - Dân số tăng, đời sống phát triển, kéo theo sự xuất hiện dày đặc nhà máy, cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại… khiến mỗi ngày có trên 1.100 tấn rác bị thải ra trên địa bàn tỉnh. Điều này gây áp lực nặng nề lên hệ thống bãi rác vốn có lâu đời, buộc phải “nâng cấp” mới đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

Tranh thủ chấm dứt “sứ mệnh” cũ

Toàn tỉnh hiện có 29 bãi rác phải đóng cửa xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm chủ đầu tư 2 dự án đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường 27 bãi rác (kể cả 2 bãi rác thuộc giai đoạn 2). UBND TX. Tân Châu làm chủ đầu tư dự án đóng cửa bãi rác Long Phú; UBND huyện Châu Thành làm chủ đầu tư dự án đóng cửa bãi rác Bình Hòa.

Đối với việc đóng cửa, xử lý 25 bãi rác ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh phê duyệt ngày 17/11/2021, chia làm 3 cụm để xử lý (3 gói thầu), thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Sở TN&MT đã phê duyệt thiết kế dự toán triển khai sau thiết kế cơ sở và phê duyệt giá dự toán gói thầu của 3 cụm; chờ xem xét, thẩm định hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá gói thầu của Cụm 2 và 3. Sau khi có kết quả thẩm định, sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu (quý III, IV/2022). Riêng hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá gói thầu của Cụm 1 sẽ gửi thẩm định sau khi được UBND tỉnh điều chỉnh lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

“Quá trình triển khai dự án, phải thực hiện theo trình tự, thủ tục dự án đầu tư công; phải lấy ý kiến, thẩm định của các ngành, địa phương theo quy định. Trong đó, Sở TN&MT phải xin ý kiến Sở Xây dựng, Sở Tài chính về chi phí đốt xử lý rác để làm hồ sơ đấu thầu. Ngày 1/7/2022, UBND tỉnh tạm thời chấp thuận chọn chi phí đốt rác cho dự án. Vì vậy, đã kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu; phải điều chỉnh lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu (do một số gói thầu đã quá thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu)” - Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí cho biết.

Đối với dự án giai đoạn 2, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án ngày 30/6/2022; thống nhất chủ trương về chi phí đốt rác, giá 396.600 đồng/tấn rác. Sở TN&MT lập điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chờ UBND tỉnh phê duyệt. Thời gian lựa chọn nhà thầu từ tháng 7 đến tháng 9/2022; sử dụng 100% vốn sự nghiệp môi trường địa phương. Dự kiến lựa chọn nhà thầu đến hết quý III/2022 và thực hiện đến cuối năm 2022.

Theo UBND TX. Tân Châu, để đóng cửa bãi rác thải sinh hoạt phường Long Phú, địa phương thực hiện thông qua đấu thầu đốt rác và đấu thầu đất bãi rác (1 gói thầu 2 túi hồ sơ). Về túi hồ sơ thứ I, đã thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư bằng phương pháp đốt thông thường không thu hồi năng lượng. Về túi hồ sơ thứ II, đã trình UBND tỉnh xin chủ trương “giao quỹ đất bãi rác phường Long Phú cho UBND TX. Tân Châu quản lý và thực hiện các thủ tục đưa ra khai thác theo quy định”.

Về đóng cửa bãi rác Bình Hòa, sau nhiều lần UBND huyện Châu Thành hủy thầu, đấu thầu lại, gia hạn… vẫn không có nhà thầu nào tham gia. UBND huyện đề xuất đưa hạng mục này vào dự án xử lý 25 bãi rác ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục giao UBND huyện Châu Thành làm chủ đầu tư và điều chỉnh dự án trước đây, đảm bảo kinh phí phù hợp với định mức hiện hành. Hiện nay, địa phương đang điều chỉnh dự án; đề xuất bổ sung vốn đầu tư. Dự kiến, tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai xử lý bãi rác Bình Hòa trong năm 2023.

Đôn đốc mở ra công nghệ mới

Song song đó, 2 công trình nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt vẫn đang trong quá trình đầu tư. Ở dự án xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên, thời hạn chuẩn bị và thi công xây dựng 24 tháng (từ ngày 26/2/2020 đến 26/2/2022). Trong đó, thời hạn thi công, đưa vào vận hành công trình là 18 tháng. Đã trễ hạn, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương kéo dài thời gian khởi công đến ngày 10/7/2022 trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư.

Đến nay, nhà đầu tư hoàn thành công tác thuê đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, Quy hoạch chi tiết 1/500; thẩm định dây chuyền công nghệ của dự án. Sau nhiều văn bản đôn đốc của Sở Xây dựng và UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Huy Ngọc Hưng cam kết đến tháng 2/2024 xây dựng hoàn thành nhà máy, tháng 7/2024 đưa dự án vào vận hành chính thức. Ngày 8/6/2022, UBND tỉnh làm việc với nhà đầu tư và lãnh đạo sở, ngành liên quan. Qua đó, yêu cầu phối hợp trình cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án; hoàn tất thủ tục về lựa chọn các nhà thầu tham gia, xin phép xây dựng theo quy định.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, công suất xử lý 100 tấn/ngày, đêm) được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang làm chủ đầu tư từ năm 2019, thời gian thực hiện từ năm 2017-2023. Công ty hoàn thành phần xây dựng nhà xưởng (đã được Sở Xây dựng nghiệm thu); lắp đặt lò đốt và hệ thống xử lý khí thải; dây chuyền sàng và thiết bị tiền xử lý. Hiện nay, công ty đang lập lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu (do nhà thầu trước đó không tiếp tục thực hiện), dự kiến tháng 9/2022 đưa nhà máy vào hoạt động.

Ông Nguyễn Việt Trí cho biết: “UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo công ty đẩy nhanh tiến độ. Sở TN&MT thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý vướng mắc liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết để sớm đưa nhà máy hoạt động như công ty cam kết”.

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3949/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Quan điểm quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh là chuyển đổi dần từ việc chôn lấp sang công nghệ đốt, hoặc đốt phát điện. Việc chuyển đổi phải có lộ trình phù hợp với năng lực ngân sách và chuyển mô hình quản lý, cũng như sử dụng các dịch vụ về môi trường.

GIA MINH

 

Liên kết hữu ích