Giảm áp lực cho giáo viên

15/12/2020 - 07:29

Cả nước hiện có gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đây là lực lượng quyết định chất lượng và sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Vì vậy, việc gỡ bỏ những quy định về sổ sách, chứng chỉ không cần thiết sẽ giúp giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: ĐĂNG ANH

Theo các chuyên gia giáo dục, gánh nặng sổ sách sẽ tạo áp lực cho giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động dạy học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những năm qua, ngoài những quy định chung, nhiều địa phương, nhà trường đã thêm những quy định sổ sách không cần thiết. Theo quy định, giáo viên chỉ phải làm ba loại sổ sách gồm: giáo án; sổ ghi kế hoạch giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thăm lớp; sổ điểm cá nhân. Ngoài ra, giáo viên làm công tác chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm. Tuy nhiên, không ít địa phương, nhà trường khi thực hiện đưa thêm nhiều sổ sách chưa thật sự phù hợp, cứng nhắc, không phát huy được sự sáng tạo của giáo viên và gây thêm áp lực cho giáo viên. Thậm chí có những địa phương, cơ sở giáo dục còn quy định thêm sổ sách khác không đúng với quy định, tạo gánh nặng không đáng có, từng gây bức xúc trong giáo viên và dư luận xã hội. 

Để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Trong đó, yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định. Bộ GD và ĐT cũng khuyến khích tăng cường sổ sách điện tử nhằm tạo chuyển biến trong việc giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Đáng chú ý, theo PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ GD và ĐT, để hạn chế hết mức gánh nặng sổ sách cho giáo viên đầu năm học 2020 - 2021, Bộ GD và ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo điều lệ mới, tính tự chủ, dân chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục được tăng cường mạnh mẽ. Các nhà trường sẽ thực hiện quản lý theo tinh thần quản trị, tức là tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục hằng năm. Vì vậy, sổ sách của giáo viên đã được giảm thiểu đáng kể.

Bên cạnh việc giảm sổ sách giấy tờ cho giáo viên, những năm qua, Bộ GD và ĐT cũng đã quyết liệt giảm áp lực cho giáo viên thông qua nhiều chính sách khác như: Cắt bỏ nhiều cuộc thi không thiết thực đối với học sinh nhằm giúp các em đi học nhẹ nhàng và “cởi trói” cho giáo viên việc đầu tư, ôn luyện, tập dượt,... dành nhiều thời gian, công sức và lo cho học sinh đi thi trong năm học. Ngoài ra, quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh cũng có thay đổi theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt. Giáo viên không phải tốn nhiều thời gian ra đề, chấm chữa bài kiểm tra như trước đây. Bộ GD và ĐT cũng đã thay đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi để tạo thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn; thông qua đó ghi nhận, đánh giá năng lực giáo viên nhằm giúp giáo viên không phải áp lực chuẩn bị bài, dạy trước, tập dượt trước; hạn chế được bệnh thành tích và một số tiêu cực nảy sinh như trước đây.

Đáng chú ý, gánh nặng về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không phù hợp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ giáo viên. Sự vất vả tốn kém từ những chứng chỉ này đã khiến giáo viên thêm áp lực, khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau cho nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực. Những nội dung về ngoại ngữ, tin học sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp. Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD và ĐT) Đặng Văn Bình, Bộ GD và ĐT đang xây dựng thông tư mới quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Bộ GD và ĐT đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản để ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2021. Tất cả nhằm giảm áp lực đến mức thấp nhất cho đội ngũ giáo viên tập trung chuyên môn đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo XUÂN KỲ (Nhân Dân)