Không khí làm việc tại một doanh nghiệp may tại Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnam+)
Kể từ khi Hiệp hội Ngân hàng (12/7) đề xuất với các ngân hàng thương mại phương án giảm nhẹ lãi suất cho vay đối với một số nhóm doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này, trong bối cảnh dịch COVID tác động lớn đến năng lực sản xuất, kinh doanh.
Lãi suất giảm tới 3%
Theo thống kê, hiện đã có trên 10 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, với mức giảm từ 0,5%-2%. Cá biệt, có ngân hàng đã giảm tới 3% so với lãi suất cho vay hiện hữu.
Điển hình là ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) so với lãi suất hiện hành. MSB cũng triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng hiện hữu và vay mới thuộc lĩnh vực kinh doanh, xuất-nhập khẩu, thương mại dược-y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước... với mức lãi suất từ 5,5%/năm với VND và từ 3%/năm với USD.
Các ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, Techcombank, VPBank, TPBank, HDBank, MB, VIB, SeABank… đều có mức giảm khá cao cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Không chỉ giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng dành tín dụng vay ưu đãi cho khoản vay mới.
Cũng theo các ngân hàng, khác với những lần trước, đợt giảm lãi suất lần này đa số các tổ chức tín dụng đã đưa ra sự hỗ trợ trực tiếp đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề là lĩnh vực du lịch, nhà hàng, vận tải; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại vùng dịch, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn…
Phản ánh của một số khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn tại ngân hàng thương mại cho biết đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5%-1,5%/năm, tùy từng lĩnh vực, ngành nghề.
Giám đốc một công ty thực phẩm tại Hà Nội cho hay công ty ông vừa nhận được thông báo từ BIDV giảm lãi suất cho khoản vay vốn lưu động của công ty về 6,1%/năm so với mức 6,6%/năm trước đó.
Vị giám đốc này cũng nhận định mức lãi suất ở thời điểm hiện tại là hợp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu tác động của dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp khác cho biết cũng nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.
Theo đại diện Công ty Du thuyền Viet Princes, 2 khoản vay cá nhân của công ty này tại Vietcombank và Techcombank được giảm 0,5%/năm, trong khi một số khoản vay của công ty tại các ngân hàng khác thì không được giảm bởi đã được gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc.
Vẫn cần thêm những giải pháp căn cơ
Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, qua khảo sát 1.500 doanh nghiệp thành viên cho thấy có 57% doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng; 38% doanh nghiệp hoạt động bình thường; 2,6% doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, chỉ có 1,4% doanh nghiệp đang hoạt động tốt.
Một số doanh nghiệp trước đây tập trung vào thị trường xuất khẩu, nhưng do dịch bệnh nên giao thương bị hạn chế, phải chuyển sang tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, kinh doanh thu hẹp, đối tác bị hạn chế nên phương án kinh doanh không đủ sức hấp dẫn cho ngân hàng giải ngân. Vì vậy, sự đồng thuận của các ngân hàng trong việc giảm lãi vay được ví như liều thuốc bổ trong cơn bạo bệnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
“Hiện tổng cầu giảm rất lớn do dịch COVID-19 gây ra, chỉ mặt hàng thiết yếu người dân mới mua nên các ngành khác hết sức khó khăn. Việc giảm lãi suất từ 1%-2% là rất tốt, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và duy trì hoạt động,” ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Tuy nhiên, đại diện hiệp hội này cũng thừa nhận lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay, nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh thanh khoản đứt đoạn, không có nguồn thu. Hiện nay, doanh nghiệp đang rất “khát” vốn, nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương cho lao động. Đối với doanh nghiệp du lịch, kinh doanh khách sạn, mức giảm 1%-2% chưa thật sự nhiều do bị mất dòng tiền trả nợ. Đây là lĩnh vực gặp khó khăn nhiều nhất, rất cần sự chia sẻ của đối tác, trong đó có ngân hàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bối cảnh hiện nay thì vấn đề cấp bách là hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Nếu không có tín dụng, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời. Chưa kể, lãi suất thì phải vận động theo thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất huy động giảm sâu sẽ khiến dòng tiền chạy ra khỏi hệ thống ngân hàng.
“Trong bối cảnh lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, giải pháp khả thi nhất là Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra huy động ngân hàng thương mại cổ phần lập ra một 'tổ hợp tín dụng' cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ, mỗi ngân hàng phải trích 3% tổng dư nợ tín dụng tham gia gói hỗ trợ này (nguồn cho vay là từ tiền gửi không kỳ hạn). Doanh nghiệp được vay tín chấp tuần hoàn 2 năm đầu và trả dần trong 3 năm tiếp theo với lãi suất thấp, chỉ 3%-5%/năm,” ông Hiếu khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch như hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động, miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế. Chỉ khi nào, doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi./.
Theo THÚY HÀ (Vietnam+)