Vùng ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng đối với cả nước và là một vùng trọng điểm về phát triển kinh tế; đặc biệt có tiềm năng lớn nhất để phát triển nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản; có vai trò quyết định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản nước ta với thế giới, đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước, mở rộng giao lưu với khu vực và thế giới. Theo thống kê, ĐBSCL cung cấp hơn 53% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 75% sản lượng trái cây và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động của việc phát triển thủy điện, sử dụng nước ở các nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang đặt ra cho ĐBSCL những thách thức rất lớn.
Sông Mekong là dòng sông duy nhất vẫn còn chảy tự do ra biển qua 5 trong số 6 quốc gia ven sông là: Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ở vùng thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có 2 hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Hiện cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng Hạ lưu vực sông Mekong, bao gồm cả ĐBSCL. Các công trình thủy điện của Trung Quốc mặc dù nằm cách xa ĐBSCL của Việt Nam, nhưng được quan ngại là nguyên nhân gây tác động rất lớn tới phù sa bùn cát về phía hạ du, cụ thể là lưu giữ tới hơn 50% tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm của lưu vực sông Mekong và quan trọng hơn nữa tác động này là không thể khắc phục do các công trình của Trung Quốc hiện nay đã được hoàn thành.
Tại vùng Hạ lưu vực sông Mekong, các nước: Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình; Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới 2 nước; và Campuchia có 2 công trình. Đến nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông; và Ủy hội Sông Mekong quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho hai công trình là Pắc-Beng và Pắc-Lay.
Hiện trên lưu vực Mekong có nhiều nghiên cứu và dự báo về biến đổi khí hậu. Theo IPCC (Tổ chức liên Chính phủ về biến đổi khí hậu), đến năm 2030, trên lưu vực Mekong, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,79oC, lượng mưa trung bình tăng 200 mm (15,3%), chủ yếu vào mùa mưa. Lượng mưa mùa khô tăng ở phía Bắc lưu vực và giảm ở phía Nam lưu vực (bao gồm hầu hết Hạ lưu vực Mekong). Tổng lượng dòng chảy năm tăng 21%. Lũ tăng trên tất cả các vùng trong lưu vực, đặc biệt gây tác động lớn đến phía hạ lưu dòng chính Mekong. Theo 1 nghiên cứu của chuyên gia Úc của ADB, đến năm 2050, tổng lượng dòng chảy xuống Kratie tăng khoảng 10%. Một số nghiên cứu của các nước và tổ chức quốc tế khác như: IWMI, Hà Lan... cho rằng, đến sau năm 2070, lũ sông Mekong có thể tăng thêm 30-40% và dòng chảy kiệt giảm 20-30%.
Đánh giá của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, giảm lượng phù sa xuống hạ lưu châu thổ và ĐBSCL là một trong những tác động được nhiều nhà môi trường lo lắng. Hậu quả của việc suy giảm phù sa tạo nên nhiều tác động kinh tế, xã hội và môi trường hạ lưu: suy giảm nguồn dinh dưỡng cho hệ thủy sản đặc biệt các vùng hạ lưu đập dẫn đến suy giảm lượng cá hạ lưu, đây là một trong những sinh kế quan trọng của hàng triệu người sống ở Hạ lưu vực Mekong; mất đi một lượng phân bón thiên nhiên to lớn đến châu thổ, ảnh hưởng đến nông nghiệp ở ĐBSCL. Đối với ĐBSCL, việc bồi đắp các vùng ven biển sẽ giảm, có thể tăng quá trình biển tiến; suy giảm phù sa, làm thay đổi động lực dòng chảy, tăng khả năng xói lở bờ, lòng sông ở các phần sông hạ lưu gây mất đất, bất ổn cho cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, kể cả phá hủy các công trình hạ tầng cơ sở lớn nằm ven bờ.
Trong điều kiện có biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, việc phát triển thủy điện tràn lan trên dòng sông Mekong sẽ khiến khu vực ĐBSCL chịu tác động kép từ cả thượng lưu xuống và từ biển vào. Do nằm ở hạ lưu, ở cuối nguồn dòng Mê Công, khu vực ĐBSCL lâu nay được hưởng nhiều lợi thế từ sự màu mỡ phù sa con sông này bồi đắp và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước nằm ở thượng lưu. Thế nhưng, cũng do vị trí nằm cuối dòng chảy, nước sông Mê Công về đến ĐBSCL đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên lẫn hoạt động của con người ở phía thượng lưu. Một trong những tác động do việc xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong đó là tình trạng găm giữ vật liệu bồi lắng và chất dinh dưỡng trước đập thủy điện sẽ khiến cho dòng sông phía hạ lưu suy giảm lượng phù sa và chất dinh dưỡng. Từ đó, tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh, đặc biệt làm suy giảm lượng cá ở hạ lưu vốn dĩ là nguồn sinh kế của hàng triệu người dân sống trong lưu vực. Giống như các lưu vực sông tương tự trên thế giới, phù sa sông Mê Công bồi bổ cho các cánh đồng ngập lũ, vùng châu thổ, đầm hồ cũng như góp phần tạo nên những bãi bồi lấn xa ra biển. Nói cách khác, lượng phù sa lắng đọng có quan hệ mật thiết với lượng phù sa vận chuyển trong sông và điều kiện địa hình lòng sông. Theo đánh giá của Ủy ban Mekong quốc tế, lượng phù sa hàng năm của sông Mekong đến cửa sông và đổ ra biển là từ 150-200 triệu tấn. Lượng phù sa khổng lồ này là sự bổ sung màu mỡ cho ĐBSCL, bồi đắp và làm cho ĐBSCL lấn ra biển với mức độ 1-2 m/năm. Việc giảm chất bồi lắng có thể dẫn tới sự thoái hóa lòng dẫn, thay đổi sinh thái lòng sông, thoái hóa các vùng đồng bằng ven biển và tất cả những điều này quay trở lại làm cho nước biển lấn sâu vào nội đồng, xói lở bờ sông và bờ biển. Đứng ở vị trí đối mặt với nạn xói lở bờ lớn nhất chính là những tỉnh ở đầu châu thổ như An Giang, Đồng Tháp, trong đó đặc biệt đáng ngại là ở Tân Châu - An Giang. Tương tự như vậy, sói lở bờ biển mạnh nhất xảy ra ở các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang. Có lẽ chính vì thế mà các chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam thẳng thắn khuyến cáo rằng, các thủy điện bậc thang trên dòng chính sông Mekong không mang lại bất cứ lợi ích nào cho ĐBSCL, trái lại còn đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân ở ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, thậm chí đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội của quốc gia và của khu vực, mọi hoạt động về phát triển tài nguyên nước đều cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và có căn cứ khoa học, từ đó mới có thể có các giải pháp khả thi và phù hợp với thực tiễn, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong lưu vực Mekong thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để có thêm các luận cứ vững chắc, trợ giúp hiệu quả cho quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mekong nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng. Đặc biệt, trước mắt quá trình tham vấn cho thủy điện dòng chính Luông Prabang cần phải trở thành hình mẫu cho áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động cho các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong.
GIA KHÁNH