Giảm thuế giá trị gia tăng - Sự đầu tư phát triển kinh tế

07/07/2023 - 06:50

 - Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 101/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Theo đó, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10%, được giảm thuế từ ngày 1/7 đến 31/12/2023.

Chính sách giảm thuế GTGT là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, trực tiếp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN), giúp nền kinh tế sớm phục hồi. Đối với DN, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Từ đó, giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Việc giảm thuế GTGT được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công và kinh doanh thương mại. Cụ thể:

Về đối tượng giảm thuế GTGT, là nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%. Trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. (Chi tiết quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo nghị định này).

Về mức giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10% (nhóm được giảm thuế).

Đối với cơ sở kinh doanh (kể cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ (%) trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.

Có thể thấy, sự chia sẻ kịp thời, sự đồng hành của Chính phủ đã tạo động lực cho DN cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong đó, sẽ giúp giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để DN hoạt động và phát triển. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế tạo ra nhu cầu tiêu thụ và cơ hội kinh doanh mới cho DN. Do đó, việc giảm thuế GTGT có thể xem như một biện pháp đầu tư phát triển kinh tế dài hạn.

TRẦN HOÀNG PHONG (Cục Thuế tỉnh An Giang)