Tịnh Biên là thị xã biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống. Toàn thị xã có dân số khoảng 113.615 người, với 1.095 hộ nghèo và 907 hộ cận nghèo. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX. Tịnh Biên, trên địa bàn thị xã có khoảng 28.639 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 9.283 trẻ dưới 6 tuổi, 389 trẻ hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em.
Toàn TX. Tịnh Biên có hơn 90 trẻ em phải bỏ học kiếm sống, chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS (chiếm 0,32%); khoảng 3.556 trẻ em có nguy cơ tham gia lao động, sống chủ yếu trong những hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có cha mẹ đi làm ăn xa. Những trường hợp này tập trung nhiều tại những xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, như: An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tân Lợi và An Hảo.
Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua những chính sách trợ giúp xã hội, tiếp cận y tế, giáo dục, góp phần đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em. Ngành chức năng TX. Tịnh Biên đã có nhiều nỗ lực trong việc thanh, kiểm tra, rà soát và thống kê số lượng trẻ em tham gia lao động, lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Xã An Cư (TX. Tịnh Biên) có hơn 74% dân số là đồng bào DTTS Khmer, đời sống người dân khó khăn, nguy cơ lao động trẻ em tương đối cao. Phó Chủ tịch UBND xã An Cư Huỳnh Thanh Hải cho biết, trên địa bàn xã có trên 3.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trên 1.400 trẻ em dưới 6 tuổi và gần 500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều trẻ em trong đó thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cha mẹ hoặc đang được trợ cấp theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, chính quyền xã An Cư đã triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trẻ em được tiếp bước đến trường. Xã còn phối hợp các trường học thực hiện tốt công tác giáo dục trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được tiếp cận với các loại hình giáo dục phù hợp, bình đẳng; nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của trẻ em.
Ông Huỳnh Thanh Hải cho biết, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch, các hoạt động cụ thể, thiết thực để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị lồng ghép các chỉ tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch để triển khai thực hiện.
Theo Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên, trẻ em lao động sớm chủ yếu sống trong gia đình nghèo, cận nghèo và có cha mẹ đi làm ăn xa; việc tuyên truyền quyền trẻ em còn hạn chế. Công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tuy có thực hiện nhưng khó phát hiện được lao động trẻ em và xử lý vi phạm. Ngoài ra, nhận thức, hiểu biết về Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em của gia đình và chính bản thân các em còn hạn chế. Nhiều gia đình vì cái lợi trước mắt mà ép buộc con em phải nghỉ học, đi làm. Trẻ em là đối tượng chưa biết tự bảo vệ bản thân, dễ bị lợi dụng và bóc lột sức lao động. Trong khi đó, một số đối tượng sử dụng lao động cố tình vi phạm vì lợi nhuận, chi phí nhân công rẻ...
Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, tạo sự đồng thuận cao trong mỗi gia đình về việc quan tâm, chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, dạy nghề, tạo điều kiện cho gia đình ổn định cuộc sống, không để trẻ em lao động trái pháp luật. Địa phương sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng trẻ em lao động trái pháp luật.
Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng ngay tại nhà trường, ngăn dòng bỏ học, xem đây là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa trẻ em lao động sớm.
TX. Tịnh Biên hiện có khoảng 136 doanh nghiệp, trong đó có 95 doanh nghiệp đang hoạt động với 741 lao động. Qua kiểm tra, chưa phát hiện có trẻ em tham gia lao động và trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
|
MINH ĐỨC