Giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em

08/05/2019 - 07:45

 - Hội đồng Đội huyện Châu Thành vừa tổ chức hoạt động rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho các em thiếu nhi trên địa bàn, trong đó tập trung vào kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước và cứu đuối, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực học đường và tệ nạn xã hội.

Hoạt động giáo dục kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được Hội đồng Đội huyện Châu Thành lồng ghép vào các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi, các chương trình vui chơi do Liên đội các trường tiểu học, THCS tổ chức. Mới đây, Hội đồng Đội huyện đã tổ chức chương trình "Trải nghiệm kỹ năng sống" và trao tủ sách hướng dẫn kỹ năng an toàn cho thiếu nhi tại Trường Tiểu học "A" An Hòa. Các em nhỏ đã được hướng dẫn và được xem clip phòng, chống đuối nước, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, xâm hại tình dục trẻ em. Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Châu Thành cho biết: ”Điều quan trọng và rất cần thiết hiện nay là phải trang bị cho các em những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trước những tai nạn, nguy cơ bị xâm hại. Do vậy, trong các hoạt động vui chơi, chương trình trọng tâm của công tác Đội chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho các em. Đó là những cách thức nhận biết thế nào là bị xâm hại, cách ứng phó khi xảy ra vụ việc”.

Trao tủ sách kỹ năng an toàn cho Trường Tiểu học “A” An Hòa

Các tổng phụ trách Đội, cán bộ Hội đồng Đội huyện đã thẳng thắn chỉ ra các mức độ và hình thức khác nhau khi trẻ bị xâm hại. Đó là trường hợp xao nhãng, bỏ mặc, nghĩa là trẻ không được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (không làm giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, không có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học hành và chăm sóc y tế khi ốm đau); xâm hại về thể chất là cố ý làm cho trẻ bị những chấn thương như: bầm tím, bỏng, gãy xương hoặc tổn thương ở đầu, não và các bộ phận bên trong cơ thể. Biểu hiện xâm hại về tình cảm là khi người lớn không tỏ ra yêu thương, không chăm sóc trẻ, thậm chí chửi mắng, coi thường trẻ, hắt hủi, quát tháo, lăng mạ, làm nhục hay đe dọa trẻ em một cách vô lý. Đặc biệt, xâm hại tình dục là khi một người lớn tuổi hơn, khỏe mạnh hơn sử dụng quyền lực, sức mạnh hoặc dụ dỗ, có thể là tiền bạc, vật chất của mình, lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin và sự tôn trọng của trẻ để ép buộc các em tham gia vào hành vi tình dục. Kẻ xâm hại có thể sử dụng nhiều cách như: lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc, bắt cóc, đe dọa hay trấn áp về tinh thần hoặc thể chất đối với trẻ để thực hiện hành vi xấu.

Do vậy, ngoài sự hướng dẫn của giáo viên ở trường, các phụ huynh nên dạy thêm cho trẻ một số nguyên tắc an toàn cá nhân như: nói “Không” với người lớn (Ví dụ, nếu có người không thực sự quen thân muốn dụ dỗ trẻ đi vào những nơi vắng vẻ, tối tăm... trẻ cần kiên quyết chối từ và tránh xa). Quy tắc “Trẻ là chủ của cơ thể mình” (cho trẻ biết ai là người có thể chạm vào cơ thể trẻ và chạm như thế nào và ngược lại); chia sẻ tâm lý của trẻ khi bước vào tuổi dậy thì, hướng dẫn trẻ biết tránh xa những tình huống bất lợi, trẻ cần biết những điều gì không nên giữ bí mật, dạy trẻ biết cách tìm người giúp đỡ.

Với độ tuổi còn rất nhỏ, trẻ em chưa thể nhận biết hết các tình huống dẫn đến bị xâm hại. Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến tình hình trẻ em ở xung quanh hàng xóm, khu phố, trong cộng đồng, báo cáo bất kỳ trường hợp nào mà bạn nghi ngờ là xâm hại trẻ em cho nhà chức trách, phối hợp các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội xác định và phát hiện kẻ xâm hại trẻ em. Đồng thời, động viên giúp đỡ gia đình có trẻ bị xâm hại tình dục. Luôn dạy cho trẻ biết, nếu bản thân hay bạn bè bị xâm hại tình dục, nên báo ngay cho cha mẹ, người thân trực tiếp, thầy cô giáo, Liên đội, Đoàn Thanh niên, Công an xã, phường, thị trấn hay điện thoại đường dây nóng miễn phí tổng đài Quốc gia 111 để nhận được sự tư vấn, giúp đỡ kịp thời.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích