Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

08/08/2018 - 05:28

 - Theo dòng chảy thời gian, các giá trị văn hóa (VH) truyền thống tốt đẹp đã tồn tại vững chắc trong đời sống tinh thần của người dân. Trong xu thế hội nhập hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn mà cần phải giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị VH sâu sắc của dân tộc, thêm yêu đất nước, nguồn cội…

Vun bồi tình yêu di sản

Đối với người Khmer theo Phật giáo Nam tông, ngôi chùa mang tình cảm thiêng liêng, gắn liền với họ từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Chùa là nơi lưu giữ VH dân tộc, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân trong các phum, sóc.

Vì lẽ đó, việc dạy chữ Khmer trong khuôn viên chùa được thực hiện trong nhiều năm nay, trở thành nét VH của đồng bào Khmer ở An Giang. Không dừng lại ở việc dạy chữ, trong hè, một số chùa ở vùng Bảy Núi, như chùa PreyVeng (Tri Tôn) còn tiến hành dạy cho các em điệu múa của dân tộc, hướng dẫn sử dụng thuần thục dàn nhạc ngũ âm…

Theo sãi cả Sang Khek Mô Ni Sươn (chùa Prey Veng), bên cạnh chữ viết, đây đều là những nét VH của dân tộc. Chính vì vậy, những người đi trướccần phải hướng dẫn và truyền dạy, đào tạo cho thế hệ sau, qua đó để bảo tồn, phát huy những giá trị VH truyền thống tốt đẹp.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa, giúp thanh, thiếu nhi giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống

Là ngôi trường gắn liền với bao thế hệ học sinh dân tộc Khmer, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) THCS Tri Tônluôn quan tâm việc giáo dục các giá trị VH truyền thống cho các em. Đặc biệt, là những chuyến đi thực tế, tham quan các di tích lịch sử, VH ở các chùa, làng nghề… của bà con Khmer ngay tại địa phương. Thông qua những kiến thức thu nhặt được, nhà trường sẽ lồng ghép các bài học về VH, giáo dục cho các em lòng yêu nước cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

“Trong chuyến đi tham quan tại chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, Tri Tôn); các em HS được nghe giải thích về nhạc cụ ngũ âm, tham quan các nông cụ sản xuất từ thời xa xưa… qua đó giúp các em HS của trường có được sự hứng thú từ những trải nghiệm thực tế từ đó thêm yêu thích và giữ gìn những nét đẹp VH độc đáo của dân tộc” - thầy Sóc Kha phân tích.

Trải nghiệm để giáo dục

Năm 2018 là lần thứ 3 mà Huyện đoàn Tịnh Biên phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình “Vui hè trải nghiệm” dành cho các em thiếu niên trong và ngoài huyện tham gia.Chương trình được nghiên cứu nội dung kỹ càng với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn theo các chủ đề: “Đoàn kết, kỹ năng”,“Thiên nhiên, môi trường”, “Nông dân, nông thôn”, “Chiến sĩ, quân đội”, “Lịch sử, chủ quyền”, “Tư duy, sáng tạo” và “VH, văn nghệ”…

Theo Bí thư Huyện đoàn Tịnh Biên Chau Thị Thu Thủy, năm nay chương trình thu hút được 46 học viên, độ tuổi từ 9-13tham gia. Hoạt động này được tổ chức thường niên vào dịp hè, không chỉ được các em ủng hộ mà phụ huynh cũng rất đồng tình đăng ký cho con em tham gia vì cho rằng chương trình rất ý nghĩa, có ích.

Với khoảng thời gian 4 ngày, các em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải tríbằng các trò chơi tập thể, đội nhóm (team buiding); kỹ năng múa dân vũ; hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu với tình huống cụ thể… Bên cạnh đó, các em còn được tham quan di tích lịch sử các huyện Tịnh Biên với hầm bí mật Huyện ủy tại xã Nhơn Hưng; trải nghiệm cuộc sống quân ngũ tại Đồn Biên phòng Nhơn Hưng; dâng hoa và thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Dốc Bà Đắc; Dinh Đức cố Quản Trần Văn Thành (Châu Phú); tham quan, tìm hiểu về hệ động thực vật tại khu sinh thái rừng tràm Trà Sư; tham gia hội thi xé dán tranh với chủ đề “Ước mơ của em”…

“Với các hoạt động phong phú như vậy đã giúp các em rút ra các bài học và thông điệp ý nghĩa về sức mạnh đoàn kết, rèn luyện kỹ năng, tình yêu quê hương đất nước, yêu thương gia đình, giúp đỡ bạn bè. Đặc biệt, hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương, làm quen với môi trường quân đội, biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và biết phát huy tính tư duy sáng tạo” - chị Thủy thông tin.

ÁNH NGUYÊN