Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng di sản văn hóa

27/03/2018 - 05:37

 - Học lý thuyết kết hợp đi tham quan, trải nghiệm thực tế là phương pháp giáo dục hiệu quả, đặc biệt trong giáo dục di sản. Thông qua những giá trị văn hóa, lịch sử của các di sản sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về văn hóa của địa phương, dân tộc. Đây là hình thức dạy học tích cực, giúp học sinh (HS) chủ động, hứng thú trong học tập, chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của di sản văn hóa, lịch sử.

Từ nhiều năm nay, nhằm tạo hứng khởi, tăng thêm sự hiểu biết, sáng tạo cho HS, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (An Giang) đã tổ chức nhiều buổi tham quan thực tế các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống…

Theo đó, trường luân phiên lựa chọn những khối lớp phù hợp và tích hợp việc giáo dục di sản vào các bộ môn: lịch sử, sinh học, tiếng Anh…

Điển hình, năm 2017, nhà trường đã mời các nghệ nhân ở làng nghề gốm phnôm pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn) chế tác thủ công sản phẩm gốm: cà ràng, nồi đất… cho HS trực tiếp quan sát và trải nghiệm.

Gần đây nhất, trường đã phân công giáo viên bộ môn tiếng Anh, tiếng Khmer tổ chức buổi tham quan cho các em HS khối 8 tại chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, Tri Tôn).

Đến đây, giáo viên cũng như các em HS được các vị sư, sãi tại chùa giải thích tường tận về nhạc cụ ngũ âm - nhạc cụ đặc trưng của bà con dân tộc Khmer.

Bên cạnh đó, HS còn được tham quan bảo tàng nông cụ tại chùa - nơi lưu giữ gần như toàn bộ các nông cụ sản xuất ngày xưa của bà con nông dân vùng Bảy Núi.

Ngoài ra, các em HS còn được chiêm ngưỡng kiến trúc, khuôn viên chùa, nghe giải thích về các biểu tượng đặc trưng và xuất hiện nhiều trong chùa Khmer Nam Bộ: thần rắn Nara…

Các em HS nghe hòa thượng Chau Sơn Hy thuyết minh về dàn nhạc ngũ âm.

Theo thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn, dù các em HS của trường đều là người dân tộc, tuy nhiên do khoảng cách về thời gian, cùng với sự thay đổi của xã hội nên dù đã được học trên lớp nhưng các em vẫn chưa hình dung được cuộc sống của ông bà, cha mẹ ngày xưa.

“Đối với người Khmer, chùa là nơi lưu giữ văn hóa của dân tộc. Do vậy, các em HS đến chùa, ngoài việc được nghe giải thích về nhạc cụ ngũ âm - loại nhạc cụ xuất hiện trong chùa, trong ngày Tết của dân tộc: Chol Chnam Thmay, Dolta… thì việc tham quan các nông cụ sản xuất từ thời xa xưa sẽ tạo cho các em HS sự hứng thú trải nghiệm, qua đó thêm yêu thích và giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc” - thầy Sóc Kha phân tích.

Theo hòa thượng Chau Sơn Hy, sãi cả chùa Sà Lôn, lý do sưu tập các nông cụ vì hiện tại, do sự phát triển của thời đại nên trong sản xuất, nông dân đã sử dụng các máy móc tân tiến, đem lại hiệu quả cao. Còn những nông cụ phục vụ sản xuất như: cày, cuốc, bừa, cấy lúa, gặt lúa… bằng thủ công thì nông dân đã không còn sử dụng.

Tuy nhiên, những nông cụ này lại mang giá trị văn hóa, lịch sử mà nếu không lưu giữ thì thế hệ sau sẽ không biết đến. “Khi các em HS tham quan các nông cụ tại bảo tàng của chùa, các em sẽ hiểu nỗi cực nhọc của cha mẹ phải làm lụng vất vả thế nào để nuôi các em khôn lớn. Từ đó, nhắc nhở các em biết yêu thương gia đình, quê hương, nhớ về nguồn cội của dân tộc…”- hòa thượng Chau Sơn Hy giải thích.

Hiện nay, HS đang thiếu sự trải nghiệm, thiếu kiến thức thực tế, do vậy dưới dạng công cụ, thiết bị dạy học, di sản văn hóa giúp quá trình học tập của HS trở nên hấp dẫn và hiểu bài sâu sắc hơn.

“Những buổi tham quan thực tế như vậy sẽ giúp em hiểu thêm về văn hóa, là những trải nghiệm thú vị giúp các em ghi nhớ sâu sắc, thương cha mẹ, yêu quý, trân trọng những nét văn hóa của dân tộc mình…”- em Chau Visna, HS tham gia buổi tham quan chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên bộ môn tiếng Anh), các em HS luôn hứng khởi với những buổi trải nghiệm thực tế, nhất là khi các em được chứng kiến, thuyết minh về những di sản văn hóa của địa phương, dân tộc.

“Tại buổi tham quan, HS bộ môn tiếng Anh, tiếng Khmer còn thảo luận, thuyết trình về những chủ đề vừa được đi thực tế bằng cả 2 ngôn ngữ. Qua đó, giúp HS hiểu biết về văn hóa nâng cao vốn từ vựng, tự tin thể hiện mình trước đám đông” - cô Xuyên nhấn mạnh.

ÁNH NGUYÊN