Phỗng đất làng Hồ của Nghệ nhân Phùng Đình Giáp. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN
Truyền thống - hiện đại cùng đan xen
Trong văn hóa Việt xưa, lễ hội Trung Thu vốn là một nghi lễ trong hành trình tín ngưỡng của văn hóa nông nghiệp, thường được diễn ra vào hai dịp trong năm “Xuân Thu nhị kỳ”. Nếu các lễ hội vào mùa Xuân thường là những lễ hội cầu chúc cho một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, thì các lễ hội vào mùa Thu là các lễ hội cảm tạ trời đất, mừng đón mùa màng bội thu. Nghi lễ cúng rằm, trông trăng trong Tết Trung thu có ý nghĩa đón trông dự báo những vụ mùa tiếp theo. Các hoạt động nghi lễ như làm mâm cỗ quả, tỉa hoa, tết bưởi, múa lân, múa rồng, cho trẻ rước đèn hát đồng dao... nhằm khuấy động thời khắc linh thiêng này để đất trời hoà chung niềm hân hoan đó mà chiều lòng người mà ban cho những mùa tốt tươi, no đủ.
Trong sách "Việt Nam phong tục", Phan Kế Bính có viết: Trung thu xưa thường có hai cỗ là cỗ cúng gia tiên và cỗ thưởng trăng. Những mâm cỗ này lấy bánh nướng và bánh dẻo làm trung tâm biểu tượng trời đất vuông tròn; các loại hoa quả đủ màu ngũ hành (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen – tương ứng với các nhân tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) như gửi vào đó thông điệp về sự vận hành tương sinh của vũ trụ.
Trên nền tảng đó, các cô, bà, mẹ thi nhau trổ tài khéo léo tỉa hoa, tết bưởi thành các bông hoa, con giống khiến cho mâm cỗ trở nên rực rỡ và sinh động. Những loại quả, thức ăn mùa Thu như chuối cốm, quả thị, hồng đỏ, hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai và bưởi là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu.
Tò he - một món đồ chơi dân gian của người Việt. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN
Ngày nay, cỗ Trung thu còn được tạo hình đủ thể loại như rồng chầu, phượng múa với các hoa trái của mùa Thu đủ đầy hình sắc. Bánh Trung thu vẫn là bánh nướng, bánh dẻo nhưng đã có nhiều sự thay đổi từ hình thức tới hương vị, đáp ứng đa dạng nhu cầu của xã hội hiện đại, góp phần tạo nên những mâm cỗ thưởng trăng bắt mắt…
Tết Trung thu xưa cũng là thời điểm nông nhàn, nên người lớn có nhiều thời gian để làm ra các món đồ chơi cho trẻ con. Đồ chơi đơn giản nhất thường được làm bằng giấy và tre. Tre, giang được ngâm, vót uốn thành những khung hình như ý, sau đó phất giấy bản hoặc giấy bóng kính lên là thành chiếc đèn ông sao, đèn ông sư, con thỏ, đèn kéo quân...
Vào đêm rằm Trung thu xưa, sau khi bày cỗ thưởng trăng cúng trời đất, người lớn thắp đèn lồng và các loại đèn đã được chuẩn bị trước đó để đám rước của đám trẻ được bắt đầu. Khi đám rước kết thúc, đám trẻ nhao vào “phá cỗ”, "đánh chén" thỏa thích hoa quả, bánh trái. Đó cũng được xem như thành quả của một mùa màng bội thu.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đồ chơi, vào dịp Trung Thu, bên cạnh đồ chơi truyền thống, các nhà sản xuất “tung ra” thị trường rất nhiều loại đồ chơi hình thức bắt mắt, đa dạng về chủng loại nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu chơi của con trẻ.
Các loại đèn Trung thu hiện đại được làm bằng nhiều chất liệu, gắn thêm đèn và các bản nhạc khiến trẻ con mê mẩn. Những câu chuyện cổ tích xưa nay đều được đưa vào các loại hình đồ chơi, thậm chí cả phim hoạt hình phương tây như công chúa Elsa, búp bê Barbie cũng trở thành những món đồ chơi, món quà cha mẹ dành cho các con. Dù vậy, những chiếc mặt nạ, đèn ông sao, đầu lân, trống quân và những con tò he bằng bột nặn xưa vẫn luôn là tâm điểm, hồn cốt của Tết Trung thu truyền thống trong đời sống văn hoá đương đại hôm nay.
Lan tỏa nét đẹp Trung thu
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp (bên phải) cùng cháu nội sắp xếp bàn trưng bày phỗng đất của ông tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN
Trong ký ức của rất nhiều người Việt xưa, mâm cỗ trông trăng ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ giấy và đèn ông sao. Cứ gần đến dịp rằm Trung thu, trên khắp các nẻo đường Kinh Bắc, những bộ phỗng sặc sỡ nhiều màu được trưng bày trên sạp hàng. Kẻ mua, người bán tấp nập.
Ngày nay, bộ phỗng Trung thu đã vắng bóng trên mâm cỗ đêm rằm. Ông Phùng Đình Giáp (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là nghệ nhân cuối cùng còn giữ hồn phỗng đất. Cứ mỗi dịp Trung thu, ông lại đem sản phẩm phỗng đất đến tham dự Lễ hội Trung thu diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và hoạt động Trung thu tại phố bích họa - Phùng Hưng.
Gian hàng nhỏ có một chiếc bàn trưng bày đủ loại phỗng đất, từ bộ 5 phỗng đất truyền thống (con chim, con rùa, ông phỗng đứng - tượng trưng cho người già, ông phỗng ếch - tượng trưng cho em bé và ông phỗng phật) đến những hình phỗng mới như ngựa, hổ, đôi uyên ương trên mặt trái tim… được ông Phùng Đình Giáp sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ, do hiệu quả kinh tế từ phỗng đất đem lại không cao, công sức bỏ ra thì nhiều, mỗi năm lại chỉ bán được vào dịp Trung thu nên nhiều gia đình tại xã Song Hồ bỏ nghề phỗng đất chuyển sang làm hàng mã. Không phải ai cũng hiểu về ý nghĩa của bộ phỗng đất truyền thống và yêu thích nó nên ông Phùng Đình Giáp nghĩ cách sáng tạo thêm các hình tượng khác phù hợp nhu cầu của khách hàng và quan trọng là đưa phỗng đất đến gần hơn với cộng đồng.
Tại gian hàng nhỏ trưng bày ở Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nghệ nhân Phùng Đình Giáp luôn nhiệt tình trò chuyện, giải đáp cho người tham quan về ý nghĩa, cách thức để làm ra các tượng phỗng đất mang hồn cốt dân tộc. Ông cũng mang đến Lễ hội Trung thu nguyên vật liệu và trực tiếp hướng dẫn nhiều gia đình, trẻ em cách tạo ra tượng phỗng đất đơn giản.
Ông Phùng Đình Giáp bày tỏ, để nghề truyền thống của cha ông được lưu giữ, truyền cho thế hệ sau thì rất cần nhiều người trẻ biết và hiểu về nó. Ông đã truyền lại cho con cháu mình cách làm phỗng, ý nghĩa của từng hình tượng. Ông cũng muốn truyền lại nét văn hóa truyền thống này cho các bạn trẻ khác. Với bản thân ông, còn làm được ngày nào thì ông còn tiếp tục giữ lửa nghề ông cha truyền lại.
Trung thu 2022 cũng là Trung thu đầu tiên các em thiếu nhi được thực sự vui chơi và tận hưởng hoạt động giải trí sau ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Dịp này, từ các trường học, khu phố trên khắp nẻo đường đất nước đều tổ chức múa lân, múa rồng, rước đèn, phá cỗ trông trăng cho các em thiếu nhi... Các hoạt động sáng tạo như làm mặt nạ, đèn lồng, đèn ông sao, vẽ tranh, tô tượng, làm bánh nướng, bánh dẻo cũng được tổ chức ở hầu hết các trung tâm nghệ thuật.
Những không gian đậm chất truyền thống được sắp đặt đã giúp cho các bạn nhỏ vừa tận hưởng được niềm vui con trẻ, vừa thêm hiểu, yêu mến và giữ gìn một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Những điều này đã làm nên một món quà Trung thu sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn dành cho trẻ em với tinh thần học mà chơi, chơi mà học...
Theo M.H (TTXVN)