Giới khoa học tiết lộ phương pháp giảm nhanh chóng nồng độ cồn trong máu

14/11/2020 - 08:40

Một nhóm nghiên cứu Canada đã phát triển một phương pháp nhằm giảm mức độ cồn trong máu nhanh gấp 3 lần thông thường qua một thiết bị đơn giản chỉ có kích thước bằng một chiếc valy cỡ nhỏ.


Olivia Sobczyk, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toronto, thử nghiệm thiết bị mới. Ảnh: Viện Sức khỏe Toronto

Theo kênh truyền hình RT, nhóm khoa học dẫn đầu là Tiến sĩ Joseph Fisher tại Viện Mạng lưới Sức khỏe – một tổ chức nghiên cứu ở Toronto (Canada) – đã khám phá ra phương pháp điều trị chứng say rượu cấp tính một cách rất tình cờ.

“Chúng tôi không thể giải thích nổi tại sao chúng ta chưa từng thử phương pháp này nhiều năm qua”, Tiến sĩ Fisher cho hay.

Phương pháp duy nhất hiện giờ có để loại bỏ cồn ra khỏi máu là lọc máu. Đây là quá trình loại bỏ nước dư thừa, chất hòa tan và chất độc ra khỏi máu nhưng phương pháp này sẽ không áp dụng được trong trường hợp uống quá nhiều rượu vì sẽ mất rất nhiều thời gian. 

Phương pháp mới liên quan đến kỹ thuật thở tăng thông khí, từ đó đưa lượng cồn dư thừa ra khỏi cơ thể, hỗ trợ gan giảm nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân.

Với kỹ thuật “thở tăng thông khí” hay còn gọi là “thở gấp”, quá trình giảm lượng cồn trong cơ thể người sẽ nhanh gấp 3 lần.

“Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là thở gấp, vì chỉ trong 1 đến 2 phút, bạn có thể chóng mặt và ngất xỉu”, Tiến sĩ Fisher nêu lý do tại sao nhóm nghiên cứu của ông chế tạo thiết bị thích hợp.

Phương pháp tăng thông khí giúp loại bỏ carbon dioxide (CO2) ra khỏi máu cùng với chất cồn, nhưng nồng độ CO2 trong máu giảm nhanh có thể gây choáng váng và thậm chí là ngất xỉu. Để giảm thiểu tình trạng mất ý thức này, Tiến sĩ Fisher cùng các đồng nghiệp đã phát triển một thiết bị có kích thước bằng chiếc vali cỡ nhỏ để đưa lượng CO2 tối thiểu trở lại trong máu một cách an toàn và duy trì sự tỉnh táo của một người.

“Đó là một thiết bị ứng dụng công nghệ thấp, cơ bản và có thể được chế tạo ở mọi nơi trên thế giới: không cần thiết bị điện tử, không cần máy tính hay bộ lọc,” Tiến sĩ Fisher nói thêm hiện thiết bị này chỉ mới được sử dụng trong phòng thí nghiệm. 

Ông và các đồng nghiệp sẽ tiến  hành các nghiên cứu sâu hơn để điều tra khả năng ứng dụng của thiết bị trong môi trường lâm sàng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng ba triệu ca tử vong, chiếm 5,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, có nguyên do từ lạm dụng rượu. Chính vì vậy, thiết bị mới của nhóm nghiên cứu được cho là một “phao cứu sinh” chưa từng có.

Theo BẢO HÀ (Báo Tin tức)