Giúp học sinh có nghề trước khi tốt nghiệp phổ thông

19/10/2020 - 06:29

 - Trong nỗ lực giúp học sinh có nghề khi còn ngồi ghế bậc học phổ thông, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã triển khai mô hình dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, giúp học sinh có thêm lựa chọn cho tương lai, chứ không phụ thuộc vào mục tiêu phải bước vào giảng đường cao đẳng, đại học.

“Không ai muốn con mình làm thợ” hay “đại học là con đường duy nhất” là tư tưởng vẫn còn đang phổ biến trong xã hội. Và vô tình, lối suy nghĩ này đã đè nặng lên tương lai những học sinh đang "mài giũa" trên ghế nhà trường phổ thông. Tất nhiên, mong muốn cho con em có tương lai xáng lạn là hợp lý, nhưng phụ huynh cần thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả năng lực của các em. Từ thực tế trên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Tịnh Biên đã tham mưu UBND huyện Tịnh Biên thực hiện mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề trên địa bàn.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Khị thông tin: “Từ tháng 9-2020, chúng tôi đã phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang bắt đầu thực hiện mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề cho học viên các lớp trung cấp kỹ thuật sửa chữa máy vi tính. Hiện nay, trung tâm có 105 học viên thuộc 3 lớp nói trên đang theo học. Thực tế, vẫn có nhiều học sinh hoàn thành chương trình THCS có nhu cầu học nghề sớm để chuẩn bị cho mình hướng đi phù hợp hơn. Do đó, việc triển khai mô hình này khá phù hợp với huyện miền núi như Tịnh Biên”.

Mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề tại huyện Tịnh Biên đang có kết quả tích cực bước đầu

Trước đây, học sinh ở Tịnh Biên muốn tiếp cận nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS phải đến các trường nghề tại địa phương khác để học. Vì vậy, các em sẽ mất nhiều công sức và chi phí. Việc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tịnh Biên thực hiện cách làm này đã giải quyết những khó khăn cơ bản cho các em. Khi tham gia các lớp học này, học viên có thể tiếp tục học văn hóa đến hết lớp 12, trong khi đó vẫn có thể học nghề và xin việc theo nhu cầu sau khi tốt nghiệp.

“Hiện nay, học viên các lớp trung cấp kỹ thuật sửa chữa máy vi tính sẽ học văn hóa buổi sáng, buổi chiều học nghề. Với sự quan tâm, hỗ trợ của UBND huyện, sự phối hợp tích cực của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú, chúng tôi đã thu được kết quả tích cực bước đầu. Thời điểm này, nhiều học viên nhận thấy lợi ích của việc vừa học văn hóa và vừa học nghề nên đã đến trung tâm đăng ký thêm. Chúng tôi vẫn nhận học viên cho đến hết tháng 10-2020” - ông Nguyễn Văn Khị cho hay.

Học viên Huỳnh Thị Mỹ Ý (khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng) đã theo học lớp trung cấp kỹ thuật sửa chữa máy vi tính hơn 1 tháng nay và em cảm thấy rất thích mô hình này. Bởi, Mỹ Ý có thể vừa nâng cao trình độ văn hóa, vừa có thêm nghề nghiệp cần thiết. Đặc biệt, em được hỗ trợ nơi nghỉ ngơi và cơm trưa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nên có thể yên tâm học cả ngày. Mỹ Ý chia sẻ, em sẽ cố gắng học tập tốt để có nghề trong tay. Khi hoàn thành chương trình, em sẽ tiếp tục đi theo con đường học vấn để xây dựng tương lai nếu có điều kiện. Ngược lại, em sẽ tìm việc làm bởi có bằng trung cấp nghề.

Sau năm học này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sẽ mở rộng mô hình đại trà hơn với ngành học trồng trọt - bảo vệ thực vật và hàn tiện. Mục đích nhằm bám sát nhu cầu thực tế của học viên, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. “Mục tiêu của chúng tôi là giúp học viên có thể vận dụng hiệu quả những kiến thức mình đã có vào công việc tương lai. Mặt khác, nghề nghiệp các em học được sẽ phù hợp với nhu cầu địa phương để đạt hiệu quả ở “đầu ra”, chứ không chỉ dừng lại ở việc học rồi để đó” - ông Nguyễn Văn Khị phân tích.

Với nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tịnh Biên đang thực hiện các bước đi mang tính bền vững và mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề đang nằm trong kế hoạch mở rộng của huyện miền núi này. Tuy nhiên, cần có biện pháp duy trì, phát triển mô hình theo hướng căn bản, ổn định, giúp học viên tại địa phương có thể tiếp cận nghề nghiệp tương lai mà không nhất thiết phải đi qua con đường cao đẳng, đại học.

THANH TIẾN