Gỡ khó cho ngân sách nhà nước thời phòng, chống dịch bệnh COVID-19

06/10/2020 - 06:10

 - Theo báo cáo tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 8 của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 8 ước đạt hơn 92.000 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện 8 tháng đạt 881.000 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2019 (thu ngân sách Trung ương ước đạt 54,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 62,7% dự toán). Trong bối cảnh này, ngoài tiết kiệm chi tiêu theo quy định, các đơn vị sử dụng ngân sách phải tiếp tục tiết kiệm hơn nữa, cắt giảm tiếp các khoản chi không cần thiết, tập trung chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

UBND tỉnh An Giang cho biết, tổng thu cân đối NSNN từ kinh tế địa bàn được HĐND tỉnh giao năm 2020 là 6.517 tỷ đồng. Nếu không kể nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền xổ số kiến thiết (theo quy định để lại cân đối chi đầu tư) thì tổng thu cân đối NSNN từ kinh tế địa bàn là 4.666 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn (đến 25%) trong tổng thu cân đối là nguồn thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (dự toán HĐND tỉnh giao là 1.160 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nguồn thu sẽ sụt giảm 25%, ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tương đương giảm thu ngân sách tỉnh 290 tỷ đồng. Trong khi đó, An Giang là một trong những tỉnh hàng năm vẫn phải hưởng trợ cấp (trên 50%) từ ngân sách Trung ương. Thực tế cho thấy, tổng thu NSNN từ kinh tế địa bàn 9 tháng đầu năm của tỉnh được 5.290 tỷ đồng (đạt 78,29% dự toán, bằng 95,14% so cùng kỳ 2019).

Tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các khu cách ly tập trung

Một vấn đề khác, thực hiện theo quy định của Trung ương, An Giang chủ động triển khai chi trả các chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cách ly tập trung và đơn vị điều trị cách ly phòng, chống dịch bệnh (tổng nhu cầu kinh phí trên 480 tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ, tỉnh xây dựng kế hoạch điều hành an sinh xã hội theo diễn biến dịch bệnh của từng quý còn lại trong năm 2020. Tổng nhu cầu hỗ trợ các đối tượng là 808 tỷ đồng (trong đó, nguồn hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 432 tỷ đồng, nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 108 tỷ đồng, nguồn vận động 1 tỷ đồng, còn lại 267 tỷ đồng ngân sách phải cấp).

Các nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, quỹ Dự trữ tài chính và nguồn cải cách tiền lương không đảm bảo (địa phương phải chi cho công tác quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm…), không đủ cân đối thực hiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển hậu dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, An Giang kiến nghị Trung ương xem xét giúp gỡ khó vấn đề này.

Trả lời kiến nghị của An Giang, Bộ Tài chính thông tin, từ đầu năm đến nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá xảy ra trên diện rộng; dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động thu, chi NSNN. Dự báo ngân sách Trung ương hụt lớn so với dự toán. Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020.

Theo đó, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết. Ngoài ra, chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định) và sử dụng nguồn ngân sách Trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ, chính sách trên địa bàn.

Tất cả tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn tuyến biên giới An Giang được đồng loạt xây dựng theo mô hình nhà sàn vượt lũ. Ảnh: GIA KHÁNH

Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương. Sau khi đã sử dụng hết các nguồn lực mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2020.

Về đề nghị của tỉnh, Bộ Tài chính bổ sung cho tỉnh gần 103 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (theo quy định tại một số nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ). Trường hợp địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ Dự trữ tài chính địa phương, trên cơ sở báo cáo của tỉnh, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương, để tỉnh có đủ nguồn để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích