Khi thông tư, nghị định cao hơn luật
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, liên quan đến công tác quản lý ĐT, XDCB, hiện có đến 12 luật, hàng chục nghị định cùng hàng trăm thông tư hướng dẫn. Điều đáng nói là có nhiều thông tư, nghị định còn cao hơn luật, nhiều thủ tục, quy định chồng chéo, tạo rào cản, ảnh hưởng đến tiến độ ĐT công, ĐT tư nhân cũng như chất lượng công trình xây dựng.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương không “tự ái” khi bị phản ánh bất cập liên quan đến ngành mình mà phải tập trung đề xuất tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định trong ĐT, XDCB, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạng, đảm bảo chất lượng các công trình đạt tốt nhất.
Trước mắt, phải rà soát những thủ tục, quy định nào chưa hợp lý, gây cản trở để sửa đổi, chấn chỉnh, cắt giảm kịp thời. Qua đó, tạo sự thông thoáng, thống nhất trong quản lý, giải ngân vốn ĐT, XDCB. Về lâu dài, phải sửa đổi, xây dựng cơ chế thống nhất trong hoạt động đấu thầu, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa địa phương và nhà thầu thi công.
“Phải thấy rằng, tính kỷ luật hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao. Có những bộ, ngành còn tình trạng “ngâm” hồ sơ rất lâu, gây phiền hà cho các địa phương, đơn vị. Lãnh đạo các bộ, ngành phải rà soát lại xem ai “ngâm”, bộ phận nào “ngâm”, nếu quá thời gian quy định phải xử lý kỷ luật”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Các công trình đầu tư, xây dựng cơ bản góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Cũng theo Thủ tướng, cần phải tuyệt đối chấn chỉnh trình trạng “có ba trăm lượng việc này mới xong” trong bộ máy công quyền. “Muốn vậy, phải siết chặt các quy định, không tạo kẽ hở để tham nhũng, hối lộ lộng hành. Đất đai phải được đấu giá công khai, nếu giao khoán rất dễ gây thất thoát, xảy ra tiêu cực. Hệ thống pháp luật về quản lý ĐT, XDCB phải thống nhất, đồng bộ.
Đối với TTHC, cần đơn giản hóa, thủ tục nào không cần thiết thì kiên quyết cắt giảm. Cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, giá định mức trong ĐT, XDCB. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Quản lý, phát triển đô thị nhằm tách bạch, nâng cao hiệu quả quản lý ĐT, XDCB khu vực thành thị và nông thôn”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Điều chỉnh quy định bất hợp lý
Theo Sở XD An Giang, những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất cần thiết nhằm gỡ khó trong lĩnh vực ĐT, XDCB. “Nhìn chung, công tác quản lý ĐT, XDCB trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp. Các dự án (DA) ĐT, xây dựng đều tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ thực hiện và công tác giải ngân nguồn vốn ĐT CB đảm bảo đúng thời gian, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn vướng mắc về cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật”- Phó Giám đốc Sở XD An Giang Trần Thanh Vũ thông tin.
Điển hình, theo quy định tại Khoản 2, Điều 49 Nghị định 136/2015/NĐ-CP, ngày 31-12-2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐT công có quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán DA ĐT công không có cấu phần xây dựng là “Đối với DA nhóm A và DA nhóm B, nhóm C do UBND cấp tỉnh quản lý: Sở Kế hoạch và ĐT chủ trì, phối hợp sở quản lý chuyên ngành tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán ĐT của DA và trình UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định ĐT phê duyệt”.
Tuy nhiên, đến nay, các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như các định mức áp dụng để lập dự toán, định mức tính toán chi phí thẩm định thiết kế dự toán, chi phí lập DA… cho các DA không có cấu phần xây dựng. Do vậy, việc áp dụng thực hiện của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, phải vận dụng linh hoạt các định mức tính toán đối với DA ĐT XD công trình.
Sở XD cho biết, khi so sánh giữa các luật về XD, ĐT công, đấu thầu, bảo vệ môi trường… có những quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn nhau, gây khó trong quá trình triển khai thực hiện. Trong khi đó, lại có những quy định không phù hợp thực tế. Điển hình như quy định đối với XD nhà ở xã hội: “Chủ ĐT DA phải dành tối thiểu 20% tổng diện tích sàn nhà ở trong phạm vi DA dành để cho thuê”.
Theo ông Vũ, do tập quán sống và quan niệm về sở hữu nên số lượng khách hàng ở An Giang có nhu cầu thuê căn hộ rất thấp. Quy định này gây lãng phí rất lớn khi chủ ĐT không tìm được người thuê, phải để căn hộ trống. Bên cạnh đó, việc ngưng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các đối tượng được hưởng chính sách về mua nhà ở xã hội cũng ảnh hưởng đến việc kêu gọi ĐTXD nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh…
NGÔ CHUẨN