Gỏi sầu đâu của An Giang- Top 50 kỷ lục Châu Á về ẩm thực, đặc sản

21/05/2023 - 12:27

 - Ngày 20/5/2023, tại Chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52, gỏi sầu đâu của An Giang được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao bằng xác lập kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực giai đoạn 2022-2023. Điều này làm nức lòng người dân quê nhà, bởi món ăn “độc nhất vô nhị” này vang danh cả nước lâu rồi, khó tìm được món nào tương tự...

Bằng xác lập kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực của Tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh gỏi sầu đâu của An Giang: Ảnh Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

An Giang đón nhận kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực với món gỏi sầu đâu: Ảnh Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

Lá sầu đâu được bán thành mớ ngoài chợ, giống như rau, nhưng lại là loại cây thân cao và thẳng, có thể phát triển vài chục mét, gốc 2-3 người ôm không giáp. Ở vùng biên giới An Giang, sầu đâu là “lộc trời cho”. Không hề nói ngoa chút nào, bởi sầu đâu tự mọc, tự lớn, tự đơm hoa kết trái, chẳng cần ai chăm sóc.

Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Sầu đâu trở thành loại thức ăn quen thuộc của người An Giang từ bao đời nay. Nhưng mọi người không ăn lá già xanh ngắt như thế này, mà chọn lá non mềm, trong veo.

Hàng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Người dân thường hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Bẻ hết đợt lá này, đến đợt lá khác, từ lúc họ còn nhỏ, đến lúc con cháu ra đời, tiếp nối vòng quay cuộc sống, mà sầu đâu vẫn vững vàng ban tặng đặc sản cho con người!

Đi khắp nơi, qua nhiều khâu trung gian, sầu đâu đến tay người tiêu dùng với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Cao điểm hút hàng, lá sầu đâu có giá 80.000 đồng/kg; lá sầu đâu kèm bông giá 150.000 đồng/kg.

Nhưng phải biết chỗ mua thì mới thưởng thức được sầu đâu ngon. Ngay đầu cầu Vàm Kinh (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), có 1-2 chỗ bán sầu đâu, thường hết sạch khi nắng sáng vừa gắt. Thị trường tiêu thụ rộng rãi, người bán không sợ “dội hàng”, cũng không sợ hư hao.

Thật ra, sầu đâu chỉ có thể chế biến thành 1 món duy nhất: Gỏi sầu đâu. Lạ nhất là vị đắng của sầu đâu, khó quên lắm. Vừa nhai một miếng, đã nghe đắng “lên tới trên óc”, nhưng nuốt vào lại nghe ngòn ngọt đầu lưỡi.

Bí quyết làm món ăn cũng không quá phức tạp, nhưng phải “đúng bài”. Lá sầu đâu trụng với nước sôi (hay ngon nhất là trụng với nước cơm sôi, được nấu bằng củi) cho bớt vị đắng. Thịt ba rọi luộc, xắt mỏng. Tôm sú luộc, bỏ vỏ. Khô sặc rằn nướng xé nhỏ. Dưa leo và xoài xanh bằm sợi. Trộn đều tất cả với nước mắm ớt pha chua, ngọt cho vừa khẩu vị. Rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, thêm vài lát ớt vào dĩa gỏi cho có màu sắc hấp dẫn.

         

Điểm nhấn của món ăn là chén nước mắm me được làm kẹo kẹo, ngọt ngọt, chua chua. Một số nơi, trộn thẳng nước mắm me vào gỏi. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, len xuống tận cổ…

Có người thích vị đắng sầu đâu đến nỗi, họ không cần trụng qua nước sôi, mà ướp nước đá cho sầu đâu giòn miệng. Đàn ông đưa thêm “chất cay” nữa, để món ăn đủ hương vị “cay, đắng”, mà cuối cùng hóa thành vị ngọt của xứ sở An Giang.

VẠN LỘC