Góp sức để Tịnh Biên chuyển mình thành thị xã vùng biên

18/05/2022 - 15:06

 - Trong tương lai không xa, huyện Tịnh Biên sẽ trở thành thị xã thứ 2 ở vùng biên giới của tỉnh An Giang nhờ có nhiều tiềm năng và lợi thế đặc thù so với các địa phương khác.

“Thay da đổi thịt” từng ngày

Đến thời điểm này, huyện miền núi, biên giới Tịnh Biên đang thật sự “thay da đổi thịt”, với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh. Thậm chí, những con đường làng, ngõ xóm cũng được nhựa hóa hoặc bê -tông hóa phẳng phiu. Du khách gần xa rất dễ nhận ra sự thay đổi rõ rệt này mỗi khi đặt chân đến khu vực cửa ngõ của vùng Bảy Núi - An Giang.

Một góc công viên trong khuôn viên khu hành chính huyện Tịnh Biên được đầu tư khá đẹp.

Ông Lâm Thành Quý, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tịnh Biên phấn khởi cho biết, vào đầu tháng 7/2018, Tịnh Biên được Bộ Xây dựng công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại 4. Kể từ đó, UBND huyện đã ra soát, tổng hợp thực trạng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng kế hoạch chỉnh trang đô thị nhằm xác định phân kỳ đầu tư.

“Trong 4 năm qua, Tịnh Biên đã phát triển 83 hạng mục công trình và đã được đánh giá đạt 89,7/100 điểm của tiêu chí đô thị loại 4, tăng hơn 6 điểm so với năm 2018. Có thể nói, bộ mặt đô thị của Tịnh Biên đã thật sự có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trên các trục đường chính và trung tâm các xã, thị trấn trong toàn huyện đã có đèn chiếu sáng công cộng. Riêng các tuyến dường giao thông được đầu tư kết nối các khu dân cư, khu du lịch, các xã lân cận, nhằm tạo thế liên hoàn phát triển giao thương, dịch vụ du lịch và các công trình hệ thống thoát nước để đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn hạ tầng của đô thị thị xã tương lai” - ông Quý chia sẻ.

Bộ mặt đô thị ở Tịnh Biên có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong ảnh: Khu vực chợ Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên ngày một khang trang, sạch đẹp.

Cũng theo ông Quý, các địa phương trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng trong quá trình xây dựng và phát triển huyện thành lập thị xã với nhiều hình thức phù hợp. Nổi bật trong đó là 3 thị trấn Tịnh Biên, Nhà Bàng và Chi Lăng đã thực hiện xã hội hóa được hơn 5,4 tỷ đồng để đầu tư vào công trình vỉa hè tuyến Quốc lộ 91, đường dân sinh, hệ thống thoát nước, lắp đặt đèn năng lượng mặt trời.

“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị như xây dựng phù điêu đua bò Bảy Núi tại ngã ba thị trấn Nhà Bàng và công viên cổng chào giai đoạn 3 với quy mô gần 7.500 m2 để tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách mỗi khi đến với Tịnh Biên. Ngoài ra, huyện còn tranh thủ nguồn vốn để hoàn thiện các công trình thoát nước, xử lý chất thải và các công viên ở các địa phương còn lại để hoàn thiện tiêu chuẩn của thị xã”- ông Quý phấn khởi nói.

Phối hợp chặt chẽ

Ông Lê Long Hồ, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Tịnh Biên cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cắt tỉa, trồng dặm, thay cỏ xuyến chi, lên các ô bông tạo điểm nhấn cho các công viên. Đồng thời, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí và vệ sinh môi trường để phục vụ cho các ngày lễ lớn của dân tộc…Ngoài ra, xí nghiệp còn thực hiện thu gom rác tại các điểm tự phát ở các xã, thị trấn và hỗ trợ nạo vét các cống bị nghẽn gây ngập úng trên địa bàn huyện. 

“Trong thời gian qua, huyện Tịnh Biên và Xí nghiệp Môi trường đô thị Tịnh Biên đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan để tạo sắc thái mới ở địa phương. Theo hợp đồng hàng năm, xí nghiệp thực hiện chăm sóc 17 công viên, với tổng diện tích gần 30.000 m2 và hơn 12.000 cây xanh đô thị theo các tuyến đường chính. Xí nghiệp còn điều hành hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên hầu hết các tuyến đường chính và khu vực nội ô 14 xã, thị trấn và thu gom, vận chuyển chất thải rắn với khối lượng 54 tấn/ngày trong cự ly 700 km”- ông Hồ thông tin.

Công nhân cắt tỉa, chăm sóc cây xanh tại các công viên và khu hành chính huyện Tịnh Biên.

Còn theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tịnh Biên, việc tổ chức thu gom, vận chuyện rác của xí nghiệp đã có thay đổi tránh rơi vào giờ cao điểm (thu gom từ 3 giờ sáng). Đối với các khu vực, cụm dân cư đường vào khó khăn, xe chuyên dụng không tới được, xí nghiệp tổ chức các phương tiện thủ công để cố gắng thu gom trong ngày, không để ứ đọng nên tỉ lệ thu gom đạt hơn 86%, tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Xí nghiệp chủ động có phương án đảm bảo thu gom rác kịp thời, kể cả vào mùa cao điểm vía Bà Chúa Xứ núi Sam hoặc các sự kiện lớn ở địa phương nên được người dân đồng tình rất cao. Đặc biệt, trong những lúc cao điểm hoặc khi mùa mưa lũ về, xí nghiệp sẵn sàng hỗ trợ địa phương thu gom, dọn dẹp vệ sinh đường phố, những nơi công cộng và nạo vét cống rãnh thoát nước (ngoài hợp đồng) theo yêu cầu của địa phương, nhưng không phát sinh thêm chi phí. Từ đó, góp phần tạo bộ mặt huyện nhà thêm khang trang, xanh và sạch đẹp.

Công nhân chăm sóc cây xanh tại khu vực cổng chào huyện Tịnh Biên

“Để ghi nhận sự đóng góp này, trong năm 2021, UBND huyện Tịnh Biên đã khen thưởng xí nghiệp là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hằng năm UBND huyện đều tổ chức thăm, tặng quà cho các công nhân vệ sinh môi trường. Trong thời gian tới, nhất là giai đoạn chuyển tiếp phát triển lên thị xã, địa phương sẽ cùng xí nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh công tác phát triển, quản lý, chăm sóc công viên cây xanh, đèn chiếu sáng công cộng, chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Người dân có thể tham gia lát vỉa hè, trồng cây xanh và hạn chế tình trạng xả rác, nước thải không đúng quy định. Từ đó, từng bước xây dựng nếp sống, thói quen văn minh đô thị để xứng đáng là dân cư của thị xã Tịnh Biên trong tương lai không xa”- ông Quý chia sẻ thêm.

Được dân thương

Bà Phạm Thị Tý ở khu vực ấp Phú Hòa, xã An Phú vô cùng phấn khởi khi hay địa phương vừa được UBND tỉnh An Giang công nhận là xã nông thôn mới. Bà Tý cũng hết lời khen ngợi đội ngũ công nhân môi trường đã tích cực thu gom rác đều đặn mỗi ngày để “bộ mặt” xã nhà được sạch đẹp như hiện nay.

Trong khi đó, bà Trương Ngọc Thích ở khu vực khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, bày tỏ: “Anh em công nhân môi trường ở đây phải làm việc tới khu vực này khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày để đường phố được sạch sẽ. Tôi thấy ở địa phương cũng thường xuyên tổ chức các đội đi thu gom rác. Chính vì vậy mà bà con ở đây đã có ý thức tốt hơn trong việc vệ sinh môi trường cũng như để rác đúng chỗ, gọn gàng cho tiện thu gom. Anh em công nhân làm việc tốt mà thái độ cũng lịch sự nên bà con ở đây ai nấy đều thương”.

Bài và ảnh: ĐINH HƯNG