Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao được Trung ương phân công triển khai, xây dựng Đề án “Nghiên cứu, hoàn thiện chế định HTND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa chủ trì Hội thảo “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng” với sự tham gia của đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý, đại diện cơ quan, bộ, ngành và tòa án các cấp.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội thảo
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của nhà nước nói chung, công tác tư pháp nói riêng là đặc tính của nhà nước ta. Trong đó, nhân dân tham gia hoạt động xét xử, được thể hiện thông qua chế định HTND, bảo đảm thực hiện nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thời gian qua, HTND tham gia rất tích cực vào công tác xét xử, góp phần quan trọng đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. HTND cũng là những hạt nhân trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, là nòng cốt của các tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần hàn gắn mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác của các tòa án, đặc biệt, qua phối hợp theo dõi việc quản lý, tổ chức và hoạt động của HTND cho thấy, một số bất cập cần được khắc phục để đáp ứng cải cách tư pháp trong tình hình mới. Trên cơ sở ý kiến, góp ý của các đại biểu, tòa án sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng đề án trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tố tụng hình sự có sự giao thoa mạnh mẽ, tiếp thu có chọn lọc nhiều điểm tiến bộ của mô hình tranh tụng. Từ đó, việc hoàn thiện chế định HTND có thể cần tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và thực tiễn “giao thoa” của mô hình tố tụng hình sự Liên bang Nga và Nhật Bản. Xây dựng cơ chế đảm bảo tranh tụng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại tòa.
Sau phần thẩm vấn của kiểm sát viên và người bào chữa, thấy còn những vấn đề chưa rõ, chưa đủ cơ sở ra phán quyết thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các HTND có thể yêu cầu thẩm vấn thêm. Nói cách khác, cần tiến tới xây dựng hình ảnh tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng đóng vai trò là trọng tài khách quan, là nơi người dân có cơ hội tiếp cận công lý, HTND thật sự đại diện cho người dân tham gia hoạt động xét xử.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, bồi thẩm đoàn khi xét xử chỉ có nhiệm vụ quyết các vấn đề về sự thật vụ án, còn thẩm phán chịu trách nhiệm liên quan đến pháp luật. Đây là mô hình hay, đúng với bản chất, ý nghĩa của việc xét xử có hội thẩm, đồng thời, phù hợp trình độ, hiểu biết, tâm lý của HTND, bồi thẩm viên. Tuy nhiên, áp dụng mô hình này vào tố tụng hình sự ở nước ta sẽ kéo theo những thay đổi khác trong thủ tục tố tụng, trong đó có thủ tục xét xử bồi thẩm/hội thẩm và xét xử của thẩm phán; quy định về chứng cứ, chứng minh theo hướng quy định về loại trừ chứng cứ thật chặt chẽ… Chế định HTND hiện nay có vướng mắc chủ yếu là việc giá trị biểu quyết của HTND ngang bằng với thẩm phán khi nghị án, trong khi số lượng HTND nhiều hơn số lượng thẩm phán trong hội đồng xét xử. Từ đó, gây áp lực lên thẩm phán nếu ý kiến biểu quyết không thống nhất, mà ý kiến của hội thẩm chiếm đa số. Do đó, một mô hình cần tham khảo đó là xét xử có sự tham gia của HTND, nhưng sẽ có ràng buộc về giá trị biểu quyết của các hội thẩm.
Việc hoàn thiện pháp luật về chế định HTND cần thực hiện giới hạn nhiệm kỳ nhất định, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không phụ thuộc vào tiêu chí bằng cấp hoặc trình độ hiểu biết về pháp luật. Qua đó, tạo sự khách quan, công bằng, không thiên vị và không bị ảnh hưởng bởi quyết định hoặc chi phối của thẩm phán theo hướng bất lợi cho người bị buộc tội. Cụ thể, cần xây dựng cơ chế tuyển chọn và phát triển HTND. Trước hết, lựa chọn khách quan, phổ thông vào danh sách ứng cử viên. Danh sách hội thẩm được lựa chọn bằng cách rút thăm ngẫu nhiên, không chỉ định trước hoặc lựa chọn. Đặc biệt, tạo cơ hội cho hội thẩm được quyền tham gia bày tỏ cảm nhận của “người bình dân” vào quá trình xét xử và hình thành phán quyết của tòa án. Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi chế độ bồi dưỡng của hội thẩm khi tham gia xét xử.
N.R