Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26-1-2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Ngày 1-2, Cơ quan Kiểm sóat và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc công bố quyết định tiêm vắcxin phòng COVID-19 miễn phí cho người nước ngoài cư trú dài hạn và tham gia bảo hiểm y tế ở Hàn Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thứ tự tiêm phòng cho người nước ngoài cũng áp dụng tương tự như thứ tự tiêm phòng cho người dân Hàn Quốc.
Cụ thể, người nước ngoài là nhân viên y tế và người sống trong các viện dưỡng lão được ưu tiên tiêm trước, tiếp đến là người mắc bệnh lý nền, người cao tuổi.
Tuy nhiên, khách du lịch hay người nước ngoài cư trú ngắn hạn, như lao động thời vụ thuộc quản lý của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, sẽ được cơ quan này xem xét có cần thiết tiêm phòng hay không dựa trên nguyên tắc "bảo vệ sức khỏe người dân."
Hiện tại, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang triển khai chương trình lao động mùa vụ đối với người nước ngoài, cho phép tuyển dụng hợp pháp người nước ngoài trong ngắn hạn nhằm giải quyết vấn đề thiếu nhân lực vào các mùa vụ nông, ngư nghiệp.
Hơn 200.000 người nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc theo chương trình tuyển dụng của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc nếu sống tại Hàn Quốc trên 4 năm 10 tháng sẽ được tính là người cư trú dài hạn.
Nếu tham gia bảo hiểm y tế, họ sẽ được tiêm vắcxin COVID-19 miễn phí. Phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn Quốc cũng được tiêm vắcxin.
Trong một diễn biến liên quan đến vắcxin, Indonesia có kế hoạch tiếp nhận khoảng 23,1 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca trong quý 1-2020 trong khuôn khổ Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Liên minh vắcxin toàn cầu (GAVI) đứng đầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia phụ trách vấn đề vắcxin, bà Siti Nadia Tarmidzi, cho biết GAVI xác nhận sẽ có từ 13,7 triệu đến 23,1 triệu liều vắcxin AstraZeneca được giao miễn phí cho Indonesia trong quý 1, chiếm 25-35% tổng số lượng.
Số vắcxin còn lại sẽ được giao trong quý 2. Những vắcxin này có thể được dùng để tiêm cho những người trên 60 tuổi.
Dự kiến, Indonesia có thể tiếp nhận tối đa 108 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX.
Số vắcxin do cơ chế này cung cấp sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ Indonesia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia được khởi động hôm 13-1 vừa qua.
Tính đến nay, Indonesia đã nhận được các cam kết cung ứng và đặt mua tổng cộng 663 triệu liều vắcxin từ các hãng AstraZeneca của Anh, Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Canada, và Pfizer của Mỹ.
Malaysia dự kiến tiếp nhận lô vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đầu tiên vào ngày 26-2 tới.
Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ giao cho phía Malaysia lô hàng đầu tiên gồm 1 triệu liều trong quý 1-2021, và lần lượt 1,7 triệu liều, 5,8 triệu liều, 4,3 triệu liều trong các quý tiếp theo.
Sau khi tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên, Malaysia có kế hoạch phân phối trên toàn quốc trong vòng 1-2 tuần.
Trước đó, hồi tháng 11-2020, Malaysia thông báo đã đạt thỏa thuận mua 12,8 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech.
Đến tháng Một năm nay, Malaysia tiếp tục ký thỏa thuận thứ hai với Pfizer để mua thêm 12,2 triệu liều.
Bên cạnh đó, nước này cũng đã đặt mua 18,4 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga và Sinovac của Trung Quốc.
Theo MẠNH HÙNG - HỮU CHIẾN (TTXVN/Vietnam+)