Bình minh hang Câu. Ảnh: Đỗ Tuấn Ngọc
Tuyệt phẩm trời ban
Có người cho rằng sở dĩ có tên Hang Câu vì vùng biển ở đây có nhiều rau câu, một loài tảo biển có thể chế biến thành xu xoa (thạch) giá trị dinh dưỡng rất cao, đồng thời là món quà mùa hè khá phổ biến và rất được ưa thích của người Quảng Ngãi. Cũng có cách giải thích khác, cho rằng tên gọi hang Câu là do dưới các rặng san hô có nhiều loài hải sản sinh sống, lại có những ghềnh đá nổi chạy từ bờ ra phía biển sâu, ngồi lên đó buông câu vừa bắt được nhiều cá vừa rất thích thú vì được đón gió mát và ngắm cảnh thiên nhiên chuyển động quanh mình.
Cho dù tên gọi được giải thích bằng cách nào thì hang Câu vẫn là một tuyệt phẩm trời ban cho huyện đảo Lý Sơn với một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, độc đáo. Bên vực núi cao sừng sững là những mô đá bị sóng gió bào mòn, phẳng lì, nối nhau nhoài ra phía biển. Đứng trên gành đá ven bờ, có thể nhìn thấy rất nhiều loài tảo biển bám vào các rạn san hô chuyển động ngả nghiêng khoe sắc màu trong làn nước, thỉnh thoảng từng đàn cá hiện ra đớp bóng nắng rồi lại lặn sâu vào đáy nước, sau khi thả từng chùm bong bóng khí long lanh.
Lưng chừng cao vách núi, bất chợt từng đàn chim làm tổ trên vòm đá kéo nhau bay lượn mấy vòng ra phía biển như thể soi tìm bóng mình trong lớp lớp sóng xanh. Ánh nắng chiều nhạt dần phía cù lao Bờ Bãi, bóng thuyền câu từ khơi xa nối nhau về bến. Tiếng vi vu gió thổi trên lưng chừng vách đá, tiếng sóng vỗ rì rầm vào bờ cát dưới chân, tiếng đàn chim ríu rít gọi nhau về tổ, tất cả chan hòa thành một bản nhạc của đất trời, miên man ru lòng lữ khách.
Sóng ru êm dịu dàng những ngày hè. Ảnh: Trần Văn Luận
Thả bước chân trên bờ cát mịn san hô ngân ngấn nước, bóng chiều như quấn quýt mỗi bước đi. Cát ở đây là sự pha trộn giữa những hạt phân hóa từ dung nham núi Thới Lới và những mảnh vỏ sò, vỏ ốc, san hô thoái hóa, vỡ vụn trong nước biển, rồi được sóng và thủy triều đưa đẩy từ ngoài khơi vào bờ. Đi trên cát mà ngỡ như ngược về thời thượng cổ, đếm ngược lớp lớp thời gian.
Mùa đông mưa bão, hang Câu chìm trong cuồn cuộn sóng vỗ vào vách đá. Gió rít liền cơn. Mưa ào ạt từng đợt. Thiên nhiên khoe mình bằng trạng thái hào sảng, kiên cường. Du khách có thể đứng từ xa để nhìn ngắm bức tranh trời biển hùng tráng mà khó bước lại gần khỏa tay vào ngọn sóng.
Những ngày hè, hang Câu tìm lại phong thái thanh thản, gọi mời. Sóng ru êm nhè nhẹ, gió nồm thổi rười rượi từ phía Đông Nam. Nắng long lanh soi trên vách núi làm lộ rõ ngấn thời gian trải qua mấy mươi triệu năm kiến tạo với bao nhiêu lần phun trào nham thạch, bao nhiêu đợt biển tiến, biển lùi.
Cổng mặt trời ở hang Câu. Ảnh: Nguyễn Thị Kiên Trinh
Một điểm du lịch độc đáo, ấn tượng
So với các thắng cảnh nổi tiếng khác của Lý Sơn (cổng đá Tò Vò, miệng núi lửa cổ trên núi Thới Lới, miệng núi lửa cổ trên núi Giếng Tiền...), hang Câu có ưu thế rõ rệt để phát triển du lịch bền vững, nhờ có diện tích rộng, giao thông thuận lợi, thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ. Tổng thể khu vực hang Câu có thể chia thành 2 vùng rõ rệt.
Vùng ưu tiên bảo tồn nguyên trạng trải dài từ chân núi Thới Lới giáp biển phía Đông Bắc men theo mé biển chạy về Tây, nối tiếp với bãi cát Di tích chùa Hang. Đây là vùng cần quy hoạch bảo tồn nguyên trạng, bao gồm: rạn san hô, vách núi, hang núi, bãi cát, ghềnh đá, bãi đá, rong tảo dưới biển, cây xanh bám vách núi, các loài thủy sinh... Vùng ưu tiên bảo tồn nguyên trạng là nơi dành cho du khách tản bộ trên bãi cát chân núi, câu cá, lặn biển ngắm san hô hoặc leo trên những gềnh đá để ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp địa chất, địa mạo độc đáo của vách núi và bờ biển.
Từ hang Câu nhìn ra biển. Ảnh: Lê Hồng Khánh
Vùng đệm là một vùng bãi biển khá rộng và thoáng đãng. Tại nơi đây cần trồng thêm cây xanh, nhất là những loài đặc hữu của đảo Lý Sơn như phong ba, bàng vuông, hình thành bãi tắm biển. Xa hơn, về phái Đông, có thể xây dựng những cụm nhà nghỉ mát có kiến trúc hài hòa với phong cảnh thiên nhiên, để trở thành khu nghỉ ngơi, vui chơi của du khách mà không làm ảnh hưởng đến phong cảnh và môi trường của vùng ưu tiên bảo tồn nguyên trạng.
Hang Câu cùng với cánh đồng hành tỏi ở Đồng Hộ, ngôi đình cổ làng An Hải, dinh Bà Thiên Y A Na, hải đăng Lý Sơn, miệng núi lửa cổ trên núi Thới Lới là những điểm nhấn góp vào khung cảnh thiên nhiên - nhân tạo hài hòa khu vực phía Đông - Đông Nam đảo Lý Sơn, gây ấn tượng mạnh và có sức thu hút đối với du khách thích khám phá không gian biển đảo.
Trong chuyến nghiên cứu về địa mạo, địa chất Lý Sơn năm 2016, sau khi trực tiếp khám phá hang Câu và núi Thới Lới, GS. TS Ibrahim Comoo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (Global Geoparks Network) thuộc UNESCO, đã khẳng định: “Thiên nhiên quá thiên vị cho nơi này, chỉ cần đến đây là đã có thể thấy được gần như đầy đủ về từng đợt phun trào núi lửa hình thành nên trái đất chúng ta hiện nay. Trên thế giới, không mấy địa điểm đẹp, có trầm tích núi lửa như ở Hang Câu”.
Theo PetroTimes