Tìm được nguồn cam sành, bưởi với giá lý tưởng và chất lượng ở Đồng Tháp, anh Nguyễn Thành Vũ (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) đã kết nối với các chủ vườn mua lượng lớn cam, bưởi mỗi ngày về bỏ sỉ. Bên cạnh trái cây, vựa của anh còn cung cấp xe bán nước ép “chuyên dụng” được trang trí sẵn, dụng cụ vắt cam bằng inox thao tác nhanh lẹ, những ai có nhu cầu chỉ bỏ vốn hơn 5 triệu đồng là có thể kinh doanh mặt hàng giải khát này, không phải đầu tư gì thêm.
Hoạt động khoảng 3 tháng nay, dọc theo Quốc lộ 91 địa phận huyện Châu Phú đã “mọc” lên hơn 30 xe bán cam ép, bưởi ép, dứa ép các loại và nhiều điểm bán cam tươi giá 15.000-18.000 đồng/kg, bưởi 20.000 đồng/kg, hàng ngày mua, bán rất xôm tụ.
Anh Vũ cho biết, giá trái cây bán sỉ phụ thuộc nhà vườn thay đổi hàng ngày nhưng không dao động nhiều. Do đang vào mùa, hầu hết đều rẻ nên người bán pha chế nguyên chất, đậm đặc vẫn có lời. “Bên cạnh đảm bảo nguồn trái cây tươi, người bán còn phải biết cách pha chế để thức uống trở nên đặc biệt. Ai muốn bán, tôi đều chỉ dẫn tận tình, không giấu nghề” - anh Vũ chia sẻ.
Cùng là một món nước ép, nhận biết theo độ chín của trái, anh kết hợp thêm chanh dây, quýt cho thức uống đủ ngọt, đậm đà, không phải thêm đường hay phụ gia, giá bán 10.000 đồng vẫn đảm bảo nguyên chất, thanh ngọt. Bán theo hình thức này khá tiện lợi và nhẹ công, không phải chế biến cầu kỳ và được người mua tin tưởng.
Kinh doanh nước cam ép nở rộ trong mùa nắng nóng.
Bên cạnh nước ép nguyên chất, các món sinh tố, “nước mát” nấu từ rễ tranh, mía lau, sâm được người người ưa chuộng, bán khắp các nẻo đường theo hình thức phục vụ xe “cơ động”, quán vỉa hè buổi tối. Tại TP. Long Xuyên, thậm chí những thức uống đơn giản như nước mía vẫn phải xếp hàng đợi mua. Theo nhu cầu của khách hàng, mặt hàng giải khát hiện nay không chỉ đáp ứng tiêu chí giải nhiệt, mà còn phải ngon, chất lượng, an toàn. Vì vậy, nhiều hộ đã đầu tư vốn mua đồ nghề như: xe, máy đóng nắp tự động, tìm kiếm nguyên liệu từ các mối tin cậy để bán, đồng thời chia sẻ nhiều cách pha chế, kết hợp hương vị cho sản phẩm tạo sự khác biệt, hấp dẫn.
Các món giải nhiệt ngoài nước uống còn có trái cây tự chọn, trái cây kết hợp theo vị được chế biến sẵn hoặc chỉ bán dạng sơ chế. Giải tỏa phần nào e ngại của người mua, chủ quán thường bố trí góc sạch sẽ để trái cây tươi nguyên, khi có nhu cầu mới sơ chế. Nguồn trái cây chủ yếu mua từ tỉnh Đồng Tháp, TP. Cần Thơ và các nhà vườn trong tỉnh.
Thức uống phát triển thêm công thức pha trộn nhiều nguyên liệu giải nhiệt để đem lại công dụng nhân đôi như: nước rễ tranh mía lau, nước dừa pha sâm, trà bí đao chia chia (kết hợp giữa cách nấu trà bí đao truyền thống với nguyên liệu hạt chia nhập khẩu), kéo theo “thương hiệu” nước uống ở các tỉnh, thành từ TP. Cần Thơ, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang)… ngày càng phổ biến. Bên cạnh trái cây nội địa, người dân còn ưu tiên bổ sung những loại nhập khẩu, trái cây Đà Lạt như: cà chua bi, nho, táo… vì quan niệm sẽ chứa nhiều dưỡng chất hơn.
Trái cây tự chọn theo công thức "đặt hàng" đáp ứng nhu cầu khách hàng
Xu hướng sử dụng trái cây vườn của nhà nông tại địa phương hiện nay được nhiều người ủng hộ vì đảm bảo nguồn gốc, độ tươi, ngon, có thể đến tận vườn để mua nguyên liệu hoặc thưởng thức ngay sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (ở phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết, những món sinh tố từ dâu tằm, cam, ổi tại các vườn sinh thái tuy đơn giản nhưng vẫn được khách ưa chuộng. Mỗi ngày, chủ vườn gửi xe vận chuyển trái cây đến tận nhà nên nguồn cung được đảm bảo tươi, ngon, không khan hiếm. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, kinh doanh mặt hàng giải nhiệt còn đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người.
MỸ HẠNH