Giảm lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn. Ảnh: Thu Hà
“Việc NHNN liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp”, Phó Gs, Ts Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Hiện tại, GPBank và Saigonbank có mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường giảm về 8% một năm ở kỳ hạn 12 và 13 tháng; mức lãi suất huy động ở Techcombank, VIB, ACB, DongABank, LPBank... niêm yết ở mức từ 6,6 - 6,85%/năm. 20 ngân hàng tư nhân còn lại có mức lãi tiền gửi từ 7% đến dưới 8%/năm.
Tại một số ngân hàng như: OCB, VIB, Sacombank, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 5 tháng đã giảm từ 5%/năm xuống mức kịch trần theo quy định mới là 4,75%/năm. Cụ thể, OCB giảm từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm lãi suất tất cả kỳ hạn; VIB áp dụng biểu lãi suất mới giảm từ 0,2 - 0,9 điểm phần trăm so với kỳ trước; Sacombank giảm lãi suất tất cả kỳ hạn tiền gửi từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm…
Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup cho biết: Việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng, chứ không tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân, bởi nếu muốn "thẩm thấu" nhanh đến nền kinh tế thì phải chờ sự hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trung, dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp thời gian qua của NHNN sẽ “tiêm” thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. Có thể nói, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn.
Dự báo cuối năm nay, lãi suất trong nền kinh tế sẽ giảm về mức cuối năm 2019, nhưng với tốc độ giảm lãi suất điều hành như thời gian qua thì có thể đến hết quý III/2023, lãi suất sẽ giảm về mức này, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.
Giảm lãi cho cả khách mới và cũ
Từ đầu năm 2023 đến nay, VIB đã 4 lần giảm lãi suất cho vay, với các mức giảm từ 0,5 – 3,5% tùy theo điều kiện khoản vay, điều kiện khách hàng. Trong đó, lãi suất cho vay bổ sung vốn lưu động cho khách hàng kinh doanh có mức giảm mạnh nhất. Sau các đợt giảm từ đầu năm đến nay, mức lãi suất cho vay kinh doanh tại ngân hàng hiện chỉ từ 8%/năm đối với khách hàng cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, thường xuyên giao dịch tại VIB.
Mới đây, ngân hàng lại giảm thêm đến 1% cho khách hàng có khoản vay từ ngày 15/6 đến 31/7, áp dụng đồng thời với các chương trình giảm lãi suất khác của VIB. Như vậy, khách hàng vay kinh doanh tại VIB trong thời gian này có thể được hưởng mức lãi suất chỉ từ 7%/năm. Đối với khách hàng vay mua bất động sản, ngân hàng đang áp dụng giảm thêm 0,5% cho các khoản giải ngân mới từ ngày 15/6 đến 31/7/2023.
Theo Báo Tin tức