Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phía trước, vẫy tay) và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đương nhiệm, ông Jens Stoltenberg tại tổng hành dinh NATO vào ngày 14/6/2021. Ảnh tư liệu: AFP
Ngày 22/2, một quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters của Anh rằng Tổng thống Joe Biden ủng hộ mạnh mẽ việc Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ứng cử làm Tổng thư ký tiếp theo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay cho ông Jens Stoltenberg, người sẽ mãn nhiệm vào tháng 10 tới.
Vài giờ sau tờ Politico dẫn lời một quan chức Anh cho biết nước này cũng ủng hộ ông Rutte làm lãnh đạo tiếp theo của NATO.
Quan chức này nói với các nhà báo rằng Anh ủng hộ mạnh mẽ Thủ tướng Hà Lan kế nhiệm ông Jens Stoltenberg làm Tổng thư ký NATO và cho biết thêm ông Rutte được tôn trọng trong toàn liên minh, có bằng cấp về an ninh, quốc phòng.
Theo quan chức Anh, việc ông Rutte làm Tổng thư ký NATO sẽ đảm bảo rằng liên minh quân sự này vẫn mạnh mẽ và sẵn sàng cả trong phòng thủ cũng như ngăn chặn.
Về phía Đức, theo hãng tin AFP của Pháp, vào chiều 22/2, người phát ngôn chính phủ liên bang Steffen Hebestreit cho biết trên mạng xã hội X: “Thủ tướng Scholz ủng hộ việc đề cử ông Mark Rutte làm Tổng thư ký mới của NATO: Với kinh nghiệm dày dặn, chuyên môn sâu rộng về chính sách an ninh và kỹ năng ngoại giao mạnh mẽ, ông ấy là một ứng cử viên xuất sắc”.
Như vậy, theo Politico, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte rõ ràng đang được các đồng minh lớn trong NATO yêu thích.
Tuyên bố của Mỹ, Anh và Đức đã gây thêm áp lực buộc các nước ở sườn phía Đông phải bớt do dự đối với ông Rutte, vốn bị chỉ trích vì đã không đưa chi tiêu quốc phòng của Hà Lan đạt mục tiêu 2% GDP mà tất cả các đồng minh NATO đã cam kết.
Ông Rutte là một trong những người đứng đầu chính phủ tại vị lâu nhất ở châu Âu, giữ chức thủ tướng từ năm 2010, hiện trong vai trò chuyển tiếp sau khi nhà lãnh đạo cực hữu Geert Wilders giành chiến thắng ấn tượng trong cuộc tổng tuyển cử Hà Lan vào tháng 11/2023.
Sau khi từ chối vị trí NATO trong những năm trước, vào tháng 10 năm ngoái, ông Rutte nói với truyền thông Hà Lan rằng điều hành liên minh quân sự là một công việc "rất thú vị" và ông sẽ cởi mở với triển vọng này.
Dự kiến, NATO sẽ công bố người kế nhiệm Stoltenberg - người đã hai lần được kéo dài nhiệm kỳ kéo dài một thập kỷ - trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới tại Washington (Mỹ).
Để trở thành Tổng thư ký NATO, ông Rutte cần sự ủng hộ của tất cả 31 thành viên. Tới nay, Politico dẫn nguồn tin là hai quan chức cấp cao cho biết ông Rutte đã nhận được sự ủng hộ của 2/3 các nước NATO để lãnh đạo liên minh quân sự này.
Theo TTXVN