Hành trình chuyển đổi số ở An Giang

28/11/2023 - 22:04

 - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực mới, chìa khóa giải quyết những điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới. Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh An Giang đã xác định: “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”.

Tiến tới chính quyền số

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Lê Quốc Cường cho biết, Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra 15 chỉ tiêu, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, cùng với 53 dự án, nhiệm vụ, kinh phí thực hiện gần 389,22 tỷ đồng.

Qua 2 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Có 18 dự án/nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai với tổng kinh phí gần 56,85 tỷ đồng; 11/15 chỉ tiêu đạt mục tiêu của chương trình đề ra. Trong đó, phát triển kinh tế số ước 7,18% GRDP (chỉ tiêu đến năm 2025 là 10% GRDP).

Dự án Trung tâm Dữ liệu, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản đáp ứng hạ tầng phần cứng, máy chủ phục vụ triển khai, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, giúp hình thành dữ liệu tập trung, dùng chung và mở phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp phát triển kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

VNPT đồng hành chuyển đổi số với tỉnh

Dự án hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, đang giải phóng mặt bằng, với quy mô gần 6ha, giúp kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh An Giang được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến xã; 100% văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh đã được hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; cung cấp 100% dịch vụ công toàn trình các thủ tục hành chính đủ điều kiện, được xếp mức độ A.

Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang là bệnh viện đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Bộ Y tế công nhận triển khai thành công Bệnh án điện tử. Tháng 6/2023, Trung tâm Y tế huyện Châu Phú được Bộ Y tế công nhận Bệnh án điện tử. Tỉnh đã triển khai thử nghiệm ứng dụng SmartAnGiang giúp kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp.

Cơ hội để bứt phá

Trong phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, tỉnh đã thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội.

Theo đó, đã thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên. Toàn tỉnh An Giang có 2.160 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); gần 2,47 triệu thuê bao điện thoại di động; 439.758 thuê bao băng rộng cố định; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) 66,2%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định 78,91%...

Tỉnh đã hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 74,7%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến là 79%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 97,3%. Đã đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh (1.473 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng. Năm 2022, UBND tỉnh phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Lễ ra mắt vận hành thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang, vận hành thử nghiệm với 10 lĩnh vực. Tỉnh triển khai thực hiện 11/25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06/CP. Đến nay, có 8/11 huyện, thị xã, thành phố ra mắt Trung tâm IOC cấp huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội để địa phương bứt phá, vươn lên; chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn và kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững.

Để triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số, hoàn thành các chỉ tiêu còn lại đến năm 2025, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp theo 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền số là lấy người dân làm trung tâm; kinh tế số giúp phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng GRDP của tỉnh; xã hội số giúp người dân sử dụng các tiện ích do cơ quan nhà nước, doanh nghiệp triển khai, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị khi sử dụng các nền tảng số.

T.V

 

Liên kết hữu ích