'Hậu duệ' mực khổng lồ dạt vào bờ biển Nhật Bản

24/12/2020 - 08:47

Cư dân địa phương phát hiện con mực khổng lồ dài khoảng 3 mét ở vùng biển phía tây Nhật Bản.

Mực khổng lồ từng gây ám ảnh cho những thủy thủ đi biển đường dài

Mực khổng lồ sống dưới những vùng nước sâu hàng cây số, gần như không có cách nào để con người có thể quan sát được môi trường sống của chúng.

Những cá thể mực khổng lồ lớn nhất từng được ghi nhận dài hơn 13 mét, nặng hơn 900 kg. Mực khổng lồ thường được mô tả có kích thước cỡ chiếc xe buýt lớn, những xúc tu khủng có thể tóm gọn con mồi từ khoảng cách gần 1 mét.

Mới đây, cư dân địa phương tình cờ phát hiện xác của con mực khổng lồ ở Nhật Bản. Một cặp vợ chồng sinh sống ở Iwagahana, tỉnh Kyoto là hai người đầu tiên phát hiện ra con mực khổng lồ. Tuy nhiên nó đã chết. Con mực có kích thước lớn, khoảng hơn 3 mét thuộc giống mực khổng lồ có thể dài tới 13 mét.

Con mực khổng lồ quý hiếm bất ngờ dạt vào bờ biển phía tây Nhật Bản với phần lớn cơ thể con khá nguyên vẹn. Được biết, cặp đôi đang đi dạo dọc bờ biển thì phát hiện ra con mực khổng lồ. Bức ảnh người phụ nữ chụp bên cạnh xác con mực cho thấy nó có chiều ngang lên tới 1,5 mét.

Người phụ nữ cho biết: "Trước giờ tôi chỉ nhìn thấy những con mực nhỏ dạt vào bờ biển. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy con mực có kích thước lớn như vậy".

Theo các chuyên gia, rất khó tìm thấy mực khổng lồ vì chúng sống ở phần sâu nhất của đại dương và phát triển mạnh ở những khu vực có độ sâu khoảng 640 đến 899 mét dưới mực nước biển.

Cơ quan hàng hải Nhật Bản ở Odashukuno, tỉnh Kyoto cho biết rất hiếm khi nhìn thấy mực khổng lồ và chúng xuất hiện rất ít ở khu vực này, chỉ khoảng 5 đến 6 lần trong 20 năm qua.

Báo chí cũng nói thêm rằng mực khổng lồ đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện thần thoại trên khắp thế giới và có thể là nguồn cảm hứng cho thủy quái Kraken, một huyền thoại ở Bắc Âu.

'Hậu duệ' mực khổng lồ dạt vào bờ biển Nhật Bản

Xác mực khổng lồ dạt vào bờ biển Nam Phi tháng 6/2020

Toshifumi Wada, một nhà sinh vật học biển tại Đại học Hyogo, Nhật Bản, đã bắt đầu thu thập DNA trong môi trường, hoặc các mảnh vật chất di truyền của mực khổng lồ vào năm 2018.

Hideyuki Doi, đồng nghiệp của ông, người đang tiếp tục nghiên cứu sau khi Wada qua đời vào năm 2018, cho biết: "Việc theo dõi DNA có thể tăng cơ hội quan sát mực khổng lồ xuất hiện trong môi trường tự nhiên".

Edith Widder, một nhà sinh vật học biển tại Văn phòng Nghiên cứu và Khám phá Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết các nhà nghiên cứu Nhật Bản có khả năng đã phát hiện ra bằng chứng về mực khổng lồ vị thành niên. Hồi tháng 6/2020, người ta phát hiện con mực khổng lồ dài 4,2 mét dạt vào bờ biển Nam Phi.

Theo HOÀNG DUNG (Infonet)