Triển lãm ''Hiện thực +'' trưng bày hơn 50 tác phẩm hội họa của hoạ sĩ thuộc trường phái hiện thực và siêu hiện thực của mỹ thuật đương đại vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
AA
Đây là cuộc triển lãm lần thứ 5 của nhóm Hiện thực, nhân 9 năm thành lập nhóm. Tham gia Hiện thực + lần này gồm các hoạ sĩ của nhóm: Phạm Bình Chương, Nguyễn Toán, Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Đoàn Văn Tới, Lưu Tuyền, Lê Cù Thuần, Vũ Ngọc Vĩnh và các họa sĩ khách mời có lối vẽ hiện thực hoặc siêu thực cùng tham gia như: Trịnh Lữ, Hồ Hưng, Nguyễn Văn Chung.
Hòa vào dòng chảy của mỹ thuật đương đại, nhóm Hiện thực vẫn đứng vững và có lối đi riêng. Đó là tập hợp những họa sĩ vẽ theo phong cách hiện thực, cùng làm việc và công bố tác phẩm. Có lẽ đây là một nhóm họa sĩ đầu tiên cùng chung phong cách.
Theo trưởng nhóm - họa sĩ Phạm Bình Chương, một hội nhóm rất quan trọng, nó sẽ động viên khích lệ tinh thần làm việc của họa sĩ - một nghề có đặc thù làm việc độc lập. Họa sĩ cũng được học tập lẫn nhau về kỹ thuật - một phẩm chất quan trọng của phong cách hiện thực.
"Năm nay nhóm Hiện thực đã công bố một bộ tranh đặc biệt với những bước tiến quan trọng của từng thành viên, từ tư tưởng đến kỹ thuật. Có thể gọi là 'bữa tiệc hiện thực' dành tặng công chúng trong những ngày đầu đông 2023", hoạ sĩ phạm Bình Chương chia sẻ.
Họa sĩ Phạm Bình Chương bày tỏ vui mừng vì triển lãm lần này là các hoạ sĩ nhóm Hiện thực đều cho thấy sự vững vàng và chín chắn hơn trong các tác phẩm của mình.
“Họa sĩ Nguyễn Toán, từng đoạt giải Best of the show 2023 của tạp chí Watercolor Artist - Mỹ (năm 2022) với tác phẩm Vô thường, nay tiếp tục chắt lọc về hình, màu và ý tứ. Tư tưởng trong tranh Toán được thể hiện rõ, thuyết phục hơn. Họa sĩ Đoàn Văn Tới tiếp tục khai thác đề tài Phật pháp song hình thức lại tươi trẻ, dễ xem hơn trước. Anh dùng thủ pháp vẽ lụa kết hợp cắt dán, thêu với bảng màu tươi sáng…
Họa sĩ Lưu Tuyền đã đi ra khỏi thế giới 'vỏ bọc của nội tâm' để đến 'thiên đường hoàn hảo' mà ở đó mọi sự tốt xấu, cao thấp, sang hèn đều được hòa quyện cùng nhau. Bộ tranh về bề mặt nứt vỡ của đồ gốm cổ của anh rực rỡ và dày dặn hơn như khẳng định sự hiểu rõ cái tính 'hiển nhiên' của sự sống. Họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh lại đi tìm cái tĩnh tại sau giai đoạn vẽ biểu hiện. Hình tượng người phụ nữ với tâm trạng đầy lo âu và cô đơn nay đã tự tin và duyên dáng hơn. Có lẽ, anh đã tìm được câu trả lời của mình về thân phận người phụ nữ hiện đại", trưởng nhóm Hiện thực chia sẻ.
Theo TÌNH LÊ (VietNamNet)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: