Hiểu đúng về hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ

21/09/2021 - 04:19

 - Trong gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, chính sách đối với lao động tự do theo Quyết định 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đến nay vẫn chưa chi cho trường hợp nào trong tỉnh. Ngoài khó khăn của địa phương trong công tác xét chọn thì một bộ phận người dân hiểu chưa rõ về chính sách này. Nhiều đối tượng không đủ điều kiện cũng đến đăng ký, khiến danh sách quá tải và công tác rà soát thêm áp lực. Để việc chi hỗ trợ thực hiện sớm, đến với đúng đối tượng, cần nhất là sự thấu hiểu, chia sẻ của nhân dân với địa phương và người thật sự gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nhiều vấn đề thắc mắc của người dân đã nảy sinh từ khi biết đến chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, vướng mắc nhất là xét và hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do. Anh T.P (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho thuê và phục vụ âm thanh di động) cho rằng: “Gói hỗ trợ chỉ dành cho một số nghề, trong đó có người vẫn có việc làm và thu nhập trong mùa dịch. Tôi không đến nỗi khổ nhưng thấy như vậy không công bằng”.

Còn anh P.T (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình có 3 lao động chính, trong đó 2 em gái đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, đều mất việc và không có thu nhập nhiều tháng nay. Cả 3 anh em làm thủ tục để được xét nhận hỗ trợ theo gói an sinh của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn còn tiếp tục chờ, chưa rõ có được hỗ trợ hay không.

Một trường hợp khác, ông N.T (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có con trai và con dâu cùng làm công nhân cho công ty ngoài tỉnh. Điều mọi người băn khoăn là cần những điều kiện gì để được xét hỗ trợ, nếu có thì nguồn hỗ trợ là trong tỉnh hay tại tỉnh đang làm việc?

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang nhận định, so với năm 2020 thì năm nay các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kéo dài, cộng với các biện pháp tăng cường, kéo theo số người dân bị ảnh hưởng tăng dần theo thời gian. Mặt khác, năm 2020, khi triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có chính sách riêng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Trong khi năm 2021, các chính sách trên không có, nên người lao động tự do (trong đó có hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) đều liên hệ địa phương đề nghị hỗ trợ. Vì vậy, số người trong danh sách đề nghị từ các địa phương gửi về tăng cao. Một số người cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng chung tất cả mọi người, bởi vậy nếu có hỗ trợ từ Chính phủ thì ai cũng được nhận như nhau. Họ so sánh với nơi khác hoặc vài trường hợp cá biệt. Nhiều người lao động là người dân trong tỉnh, nhưng làm việc ở các tỉnh khác. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, họ trở về địa phương nên hiểu lầm mình cũng có thể được xét hỗ trợ.

Lao động tự do là người yếu thế cần được hỗ trợ theo quyết sách của Chính phủ

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly, tình hình dịch bệnh năm 2021 đã tác động sâu sắc đến đời sống của người dân, trong đó có lao động tự do. Hầu hết những đối tượng này đều không có tích lũy, nên rất khó khăn, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện nay, đã có phát sinh dư luận từ người dân về việc tỉnh chỉ quyết định hỗ trợ một nhóm nghề, trong khi có rất nhiều công việc là lao động tự do nhưng không được hỗ trợ. Ở một số địa phương, người dân tiếp tục đề xuất tỉnh xem xét, mở rộng đối tượng hỗ trợ để lao động khó khăn do tác động từ dịch bệnh COVID-19 được tiếp cận chính sách.

Vấn đề này, nhìn từ một số tỉnh lân cận (như: tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh…), mặc dù vẫn tăng số lao động tự do thực tế so với kết quả thực hiện của năm 2020, nhưng các tỉnh cơ bản hoàn tất việc hỗ trợ lao động tự do và đang tiếp tục mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ. Việc này dẫn đến sự so sánh của người dân về tiến độ thực hiện cũng như chính sách hỗ trợ của từng địa phương.

Trước nhất cần khẳng định, không phải bất cứ người dân nào cũng nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mà chỉ những người dân gặp khó khăn, đối tượng đã được quy định tại các nghị quyết của Chính phủ. Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ giao cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể, ngân sách của địa phương để xác định tiêu chí hỗ trợ lao động tự do, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tùy từng địa phương mà việc xác định đối tượng hỗ trợ và số tiền hỗ trợ sẽ khác nhau, Chính phủ không đưa ra quy định chung bắt buộc phải thực hiện.

Trong tình hình khó khăn và nguồn lực ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, người dân cần chia sẻ để ưu tiên cho những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ tác động của dịch bệnh. Do đó, song song với việc triển khai thực hiện các chính sách, từng địa phương cần tuyên truyền một cách dễ hiểu và đầy đủ để người dân nắm rõ nội dung quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh về tiêu chí, đối tượng hỗ trợ, mức tiền hỗ trợ cụ thể để không phát sinh hiểu lầm và dư luận chưa đúng về chính sách này.

MỸ HẠNH