Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và mũi 4
TS. BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron tại TP. Hồ Chí Minh. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2), lây nhanh hơn và có khả năng xâm nhập vào tỉnh ta. Vì vậy, người dân không được chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã mắc COVID-19 mà không đi tiêm ngừa vì có nguy cơ mắc COVID-19 trong thời gian tới. Từ đó, làm tăng số ca mắc và tăng nguy cơ tử vong hoặc bị di chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Vì vậy, tăng cường tiêm vaccine mũi 3 và 4 thời điểm này là kịp lúc và đảm bảo an toàn, tránh trường hợp dịch bùng phát mới đi tiêm thì đã trễ và vaccine không còn được đầy đủ như hiện nay. Việc tiêm vacccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 được xem là “vũ khí chiến lược” giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do COVID-19”.
Theo Bộ Y tế, trong ngày 19/7, số ca mắc mới của Việt Nam tăng mạnh, vượt mốc 1.000 ca; số ca nặng phải thở ô-xy cũng tăng lên 41 ca. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia; trong nước xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, có khả năng bệnh trở nặng.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 sẽ tăng cao trở lại nếu tiêm mũi 3 và mũi 4. Đó là khuyến cáo chính thức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khi có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của biến thể phụ mới gần đây (BA.5) sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine đã tiêm trước đó (mũi 1 và mũi 2). CDC Hoa Kỳ khẳng định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và 4 sẽ cung cấp sự bảo vệ chống lại COVID-19 đáng kể cho những người trưởng thành có hệ thống miễn dịch bình thường. Các phát hiện mới nhất của công trình nghiên cứu này, cùng với dữ liệu được công bố gần đây cho thấy những người bị nhiễm biến thể BA.2 cũng có kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật với biến thể phụ mới BA.5, điều này cho thấy các loại vaccine hiện có có thể bảo vệ cơ thể chống lại diễn tiến bệnh nặng do các biến thể phụ BA đang lưu hành.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêm vaccine COVID-19 giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tác nhân gây bệnh vào người thì sẽ giảm mắc, giảm chuyển nặng hoặc tử vong. Thậm chí, người đã tiêm vaccine nếu có bệnh thì cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, đặc biệt biến thể phụ BA.4, BA.5 đang khiến ca mắc tại nhiều nước gia tăng và đã xâm nhập vào Việt Nam, đến TP. Hồ Chí Minh, việc đẩy mạnh tiêm mũi 3 và 4 cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn; tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi là rất cần thiết. Vaccine phòng COVID-19 vẫn là công cụ bảo vệ cơ thể quan trọng nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng phải nhập viện và giúp bảo vệ cơ thể không mắc bệnh COVID-19 rất nặng có nguy cơ tử vong.
Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện tốt khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân; phát huy tính chủ động, gương mẫu của các lực lượng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động trong việc tiêm vaccine; tổ chức các chiến dịch tiêm vaccine tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp/khu chế xuất; tiếp tục vận động người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”; cảnh báo về các biến thể mới của Omicron; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.
HẠNH CHÂU