Đến văn phòng ấp nhờ giải quyết một số mâu thuẫn với hàng xóm, bà Phạm Thị Quỳnh Mai (ngụ ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Tổ hòa giải đã giúp chúng tôi kết thúc sự việc êm đẹp. Chúng tôi đều vui vẻ khi sáng tỏ vấn đề mà không phải dắt nhau đến tòa, giữ gìn được mối quan hệ chòm xóm. Bà con ở đây có việc gì cũng đến ấp nhờ các chú tháo gỡ, giải thích để các bên xóa bỏ mâu thuẫn”.
Trong 10 năm qua, Tổ hòa giải ấp Hòa Lợi đã hòa giải thành công 104/109 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,4%. Để có được kết quả đó, những hòa giải viên của tổ luôn đi sâu, đi sát vào đời sống của người dân trên địa bàn. Phương châm là không xem nhẹ bất cứ mâu thuẫn nào, mà cần tìm hiểu nguyên nhân, khúc mắc của từng người, tạo cơ hội để các cá nhân xích lại và có thể đối thoại với nhau. Tố chất đòi hỏi ở người làm công tác hòa giải là dùng cái lý, cái tình để giải quyết những mâu thuẫn, từ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.
Một buổi hòa giải diễn ra tại ấp Hòa Lợi (xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân)
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp Hòa Lợi kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải Trần Văn Kính, những mâu thuẫn nhỏ thường xảy ra ở địa phương là tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, nợ hụi… Khi tiếp nhận tờ trình, đơn thư, các thành viên thực hiện theo đúng trình tự các bước rồi mời 2 bên đến giải quyết.
Tại buổi hòa giải, hòa giải viên dành nhiều thời gian, tạo cơ hội cho các bên thể hiện ý kiến của mình, tự thỏa thuận nội dung tranh chấp, mâu thuẫn… Tổ hòa giải chỉ phân tích đúng, sai, nêu quy định của pháp luật và vận động, thuyết phục các bên thỏa thuận.
“Trong hòa giải, ưu tiên là động viên, giải thích để bà con hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi mạnh dạn phân tích những chỗ đúng và chưa đúng của các bên để bà con khắc phục.
Hàng năm, thành viên tổ hòa giải đều tham gia tập huấn để cập nhật kiến thức mới, đúc kết thêm kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết các vụ việc ở địa phương tốt hơn. Nhờ đó, đa số các trường hợp nhỏ đều giải quyết hoàn thành. Trường hợp khó khăn hơn, chúng tôi mời cán bộ tư pháp ở xã đến tham gia giải quyết” - ông Kính cho biết.
Tại xã Phú Thạnh, anh Lê Minh Quới, một trong những hòa giải viên tiêu biểu của ấp Phú Cường B, có hơn 10 năm làm công tác hòa giải tại cơ sở. Anh luôn đặt mình là người trong vụ việc để khách quan, công tâm, vận dụng linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa lý và tình để giải quyết sự việc. Chặng đường 10 năm qua, Tổ hòa giải ấp Phú Cường B đã hòa giải đạt tỷ lệ thành công 100% (43/43 vụ).
“Bí quyết” thực hiện tốt công việc không gì khác ngoài sự tận tâm, uy tín của tổ hòa giải. Thành viên phải là những người tích cực, am hiểu, phân tích dễ hiểu và thuyết phục về những chủ trương, chính sách cho người dân nắm rõ. Trong đó, đề cao tình làng nghĩa xóm nhưng phải đảm bảo tính công bằng, tôn trọng công lý, không thiên vị.
Trưởng ban Nhân dân ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Phú Cường B Lê Ngọc Hở cho rằng, trong công tác hòa giải, khó khăn nhất là gặp những người có nhận thức chưa cao về pháp luật. Vì vậy, quá trình làm việc họ sẽ khó tiếp nhận lời thuyết phục, giải thích… Gặp trường hợp này, tổ hòa giải sẽ tạm ngưng vụ việc, tiếp tục tìm hiểu rõ hơn về nhân vật, vận động những người thân, hàng xóm có ảnh hưởng đến tình cảm của nhân vật để góp phần khuyên nhủ, giải thích, gián tiếp tác động về nhận thức.
Hiện nay, mạng lưới tổ hòa giải ở huyện Phú Tân được củng cố, kiện toàn và mở rộng khắp các khóm, ấp, góp phần hạn chế các đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong Nhân dân. Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Tân Ngô Thị Cẩm Tú thông tin, toàn huyện hiện có 88 tổ hòa giải/ 88 khóm, ấp với 478 hòa giải viên. Từ khi các tổ hòa giải được thành lập đã giúp tình hình an ninh trật tự tại xã, thị trấn trên địa bàn huyện ổn định hơn.
Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, những vụ việc, mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày đều được các thành viên trong tổ hòa giải ở các khóm, ấp phối hợp với cán bộ xã, thị trấn giải quyết ngay từ khi mới phát sinh. Đầu năm đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã nhận và đưa ra hòa giải 61/63 vụ, đạt 93,8%.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp tiếp tục kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo hướng nâng cao trình độ, khả năng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thông qua nhiều hình thức.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho các hòa giải viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với nhau thường xuyên hơn thông qua các hội thi, các lớp tập huấn… Các thành viên trong tổ phải thường xuyên gần gũi với người dân, bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt và giải quyết các vụ việc diễn ra tại khóm, ấp, không để trở thành các “điểm nóng”.
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở, huyện Phú Tân có 1 tập thể và 1 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng. Đó là Tổ hòa giải ấp Hòa Lợi (xã Phú Hiệp) nhận Bằng khen của UBND tỉnh; Trưởng ban Nhân dân ấp Phú Cường B, xã Phú Thạnh Lê Minh Quới được giấy khen của Sở Tư pháp
|
MỸ HẠNH