Hiệu quả mô hình ấp toàn dân tham gia bảo hiểm y tế

06/06/2019 - 08:15

 - 100% bà con trong ấp tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là kết quả của mô hình dân vận khéo hỗ trợ, vận động toàn dân tham gia BHYT của ấp Tân Huệ (xã Vọng Thê, Thoại Sơn). Với tính thiết thực và hiệu quả, mô hình tạo nên sức lan tỏa và nhân rộng ở các ấp còn lại trên địa bàn xã.

Vừa phụ gia đình đưa con dâu đi sinh ở bệnh viện, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (sinh năm 1964, ngụ ấp Tân Huệ) chia sẻ: “Nhờ mua BHYT đầy đủ cho các thành viên trong gia đình, giờ tôi nhẹ lo hơn mỗi khi có người ốm đau nhập viện. Như hôm nay, con dâu tôi chuẩn bị sinh, nếu không có BHYT sẽ tốn “bộn” chứ ít gì. Gần đây, con gái tôi nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Lúc đầu tạm ứng 1 triệu đồng, sau khi đi siêu âm, chụp X-quang, mua thuốc các thứ… tốn hơn 290.000 đồng. Bệnh viện trả lại tiền tạm ứng ban đầu gần 700.000 đồng. Nhờ có BHYT, nếu không chắc tiền tạm ứng chẳng đủ vào đâu. Thấy được lợi ích như vậy, tôi tự nhủ phải mua BHYT cho tất cả mọi người trong gia đình. Nhờ các anh chị ở ấp, mỗi khi gia đình có người gần hết hạn BHYT, họ đến nhắc mua nên tôi không bị trễ hạn”.

Người dân ấp Tân Huệ hầu hết hiểu ý nghĩa, lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế

Người dân ấp Tân Huệ hầu hết hiểu ý nghĩa, lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế

 

Với 215 hộ, hơn 500 nhân khẩu, người dân ở ấp Tân Huệ đa số sống bằng nghề nông, làm thuê, mướn. Để thực hiện mô hình “Ấp toàn dân tham gia BHYT”, thời gian đầu, Tân Huệ gặp không ít khó khăn. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Huệ Trần Thị Chái cho biết: “Năm 2017, địa phương chọn ấp Tân Huệ làm điểm thực hiện mô hình. Không nói đến số người đã tham gia BHYT, những người chưa tham gia chiếm khá nhiều, hơn nữa họ không hề có ý định mua. Xác định đảm bảo tiêu chí, mục tiêu của mô hình là rất khó khăn. Được Đảng ủy, UBND xã hỗ trợ thành lập đoàn vận động, hỗ trợ người dân tham gia BHYT (khoảng 10 người), chúng tôi thường xuyên đến nhà các hộ dân để tuyên truyền mục đích, lợi ích khi tham gia BHYT. Thời gian đầu, có người chỉ tiếp đoàn thờ ơ, không màng sự giải thích, có người cho rằng đang khỏe mạnh thì lấy đâu ra bệnh nên để tiền mua cá mắm hay lo việc khác… Cứ như vậy, việc đến nhà từng hộ vận động nghĩ là đơn giản nhưng thật ra khá khó khăn. Chưa kể, do tính chất công việc, nhiều bà con chỉ có ở nhà từ chiều đến tối. Vậy nên, các thành viên trong đoàn tranh thủ vận động luôn vào thời điểm ấy. Trung bình mỗi gia đình, chúng tôi phải vận động 2-3 lần trở lên họ mới dần hiểu và chịu tham gia BHYT”.

Trước khi tiến hành vận động, đoàn sẽ cập nhật, rà soát lại danh sách những người đã tham gia BHYT, chưa tham gia hoặc đáo hạn để có cách thức vận động phù hợp. Theo chị Chái, những hộ khó khăn sẽ được UBND xã “cho mượn” tiền đóng trước rồi từ từ trả sau. Để hướng đến BHYT toàn dân ở ấp, bản thân chị Chái ứng tiền mua trước cho bà con khó khăn, đợi đến vụ mùa họ gom tiền trả sau. Nhờ sự kiên trì, bền bỉ, cách làm năng động, linh hoạt, đến cuối năm 2018, ấp Tân Huệ đã đạt 100% người dân tham gia BHYT (không tính hộ bỏ địa phương đi làm ăn xa). Việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHYT, trong đó lưu ý phương pháp vận động làm sao người dân hiểu rằng, BHYT không chỉ giúp chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho mình, mà còn là sự chia sẻ với cộng đồng, xã hội là một trong những giải pháp hiệu quả thực hiện mô hình này.

Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Huệ Triệu Hoàng Dũng cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân trên địa bàn ấp để duy trì mô hình. Xã đang dự định nhân rộng mô hình đến các ấp khác trên địa bàn, trước mắt là ấp Tân Thành. Mô hình ý nghĩa này đã và đang góp phần cùng chính quyền địa phương duy trì, nâng chất chỉ tiêu BHYT trong xây dựng và nâng chất nông thôn mới”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích