Hiệu quả tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc

20/08/2020 - 05:45

 - Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, khi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ khuyến khích bà con đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự… Việc đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động ở địa phương có hơn 2/3 là đồng bào DTTS Khmer như xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang) là một điển hình.

Công viên núi Nam Qui được xây dựng sạch đẹp, có sự góp công sức giữ gìn của người dân xã Châu Lăng

Cùng nhau phát triển kinh tế

Tuy là 1 xã tiếp giáp với thị trấn Tri Tôn, nằm trên tuyến đường chính nối Tri Tôn - Tịnh Biên nhưng đối với xã Châu lăng, nông nghiệp vẫn là kinh tế chủ yếu (đất sản xuất nông nghiệp chiếm 2.157,17ha/3.256,94ha diện tích tự nhiên). Trong số 9 ấp trên địa bàn xã, có 5 ấp đặc biệt khó khăn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Lăng Huỳnh Thị Cúc cho biết, trong số 3.456 hộ dân, với 15.757 nhân khẩu của xã, có 2.370 hộ, với 10.341 nhân khẩu là đồng bào DTTS Khmer, chiếm 68,57% dân số. Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, như: trồng lúa, nuôi bò, dịch vụ , mua bán nhỏ, làm thuê ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hầu hết đồng bào DTTS khmer cư trú theo phum, sóc và ven chân núi.

Bà Cúc cho biết, những năm qua, địa phương luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, nhất là 26 chỉ tiêu có sự tham gia của nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Việc lồng ghép tuyên truyền được thực hiện linh hoạt ở các khu dân cư, tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông khmer, gắn với việc thực hiện 12 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.

Trong các mô hình tuyên truyền, vận động, mô hình “Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng” mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Địa phương đã phối hợp thực hiện dự án hỗ trợ máy đánh đường thốt nốt cho các hộ sản xuất đường thốt nốt trong làng nghề (chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer).

Đồng thời, vận động quỹ Hỗ trợ nông dân cho 19 hội viên sản xuất - kinh doanh tổng số tiền 69 triệu đồng; tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 440 học viên; giải quyết hồ sơ cho 4.255 lượt người đi lao động ngoài tỉnh. Có những lao động đã gửi tiền cho thân nhân xây dựng được 25 căn nhà và sửa chữa 9 căn nhà, trị giá trên 4 tỷ đồng. Địa phương còn phối hợp giải ngân cho 1.392 hộ với số tiền 22 tỷ đồng để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nếu như năm 2015, toàn xã Châu Lăng có 405 hộ nghèo (chiếm 11,11% số hộ) thì đến nay giảm còn 192 hộ (chiếm 5,25%).

Ổn định an ninh chính trị

Bà Huỳnh Thị Cúc cho biết, 5 năm qua, địa phương đã vận động 23.249 phần quà (trị giá gần 6,68 tỷ đồng) tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, bảo trợ xã hội, hộ gia đình chính sách… Đồng thời, xây dựng 27 căn và sửa chữa 17 căn nhà Đại đoàn kết, xây dựng 22 căn nhà Tình thương, 2 căn nhà Mái ấm ATV, 1 căn nhà Đồng đội, với tổng trị giá hơn 1,56 tỷ đồng. Địa phương còn phối hợp vận động xây dựng 4 cầu nông thôn trị giá 481 triệu đồng; sửa chữa và nâng cấp 28 lộ nông thôn.

Xã được huyện hỗ trợ xây dựng 13 đoạn đường bê-tông trong phum, sóc ở 7 ấp với kinh phí gần 5 tỷ đồng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; xây dựng cầu kênh Châu Lăng 3 (thuộc chương trình của Tạp chí Nông Thôn Việt) và vận động nâng cấp đường ra cánh đồng với tổng kinh phí hơn 860 triệu đồng.

Cùng với phát triển kinh tế, xã Châu Lăng còn xây dựng mô hình “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái”.

Qua đó, đã xây dựng được 2.875 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 93,04%), 9/9 ấp văn hóa, 124/124 tổ văn hóa, 5/5 trường học văn hóa, 3/3 cơ quan văn hóa. Địa phương đã vận động bê-tông hóa sân Trường Mẫu giáo Châu Lăng (điểm phụ) với số tiền 20 triệu đồng; 1.682 phần quà và 10 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học trị giá gần 197 triệu đồng. Ngoài xây dựng 49 căn nhà Tình nghĩa theo Quyết định số 22/CP trị giá 2,45 tỷ đồng, địa phương còn vận động xây dựng 10 căn nhà Tình nghĩa trị giá 500 triệu đồng, sửa chữa 16 căn trị giá 320 triệu đồng.

Qua phát động mô hình “Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”, có 952 hộ đã đăng ký thu gom rác thải, 18 hộ đăng ký xây hầm biogas, composite và túi sinh học, xây mới 19 nhà vệ sinh, 610 hộ làm dale và hầm chứa phân bò, trồng 1.500 cây bằng lăng trên Tỉnh lộ 955B, 250 cây hoàng yến tại công viên núi Nam Qui, 1.000 cây xanh ở Tỉnh lộ 949, hỗ trợ trên 12.000 cây các loại trồng phân tán ở các chùa Phật giáo Nam tông.

Địa phương còn vận động gắn 150 biển tuyên truyền trên cột đèn Tỉnh lộ 948, 955B, gắn 66 bóng đèn chiều dài trên 1.700m ở lộ nông thôn 3 ấp trị giá trên 71 triệu đồng; vận động 12 triệu đồng cùng với UBMTTQ huyện xây dựng cổng đèn led tại xã, vận động lắp đặt 37 bóng đèn tại Tỉnh lộ 955B (dài gần 3km) trị giá 100 triệu đồng…

Đối với mô hình “Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”, địa phương đã vận động lắp đặt 13 camera an ninh trị giá trên 80 triệu đồng ở các khu vực trọng điểm, đồng thời thực hiện 3 mô hình tự quản về an ninh trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS Khmer.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Châu Lăng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN