Hiệu quả xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

11/12/2019 - 07:25

 - Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn hiện này rất cần sự tham gia của toàn xã hội. Thời gian qua, những nỗ lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, đáng chú ý là việc huy động và sử dụng các nguồn lực thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả.

Thời gian qua, trên cả nước nói chung và An Giang nói riêng rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được ưu tiên thực hiện với nhiều chính sách phù hợp như: trợ cấp xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, miễn giảm học phí… Qua đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Với việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao từ nhận thức đến hành động. “Ở An Giang, công tác bảo vệ trẻ em trong giai đoạn 2018-2019 được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Cụ thể, ngoài việc triển khai công tác này bằng ngân sách nhà nước thì việc thực hiện xã hội hóa nhằm thực hiện quyền trẻ em được quan tâm chỉ đạo, mang lại nhiều ý nghĩa. Điển hình, quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp và các đơn vị có liên quan đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp mỗi năm trên 20 tỷ đồng, hỗ trợ trên 30.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Văn Tuấn cho biết.

 Xã hội hóa chăm sóc, bảo vệ trẻ em, góp phần ươm mầm cho “Tương lai Việt”

Để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các quyền lợi đầy đủ như các học sinh khác, ngành giáo dục và hội phụ huynh học sinh tại các trường đã vận động nhà hảo tâm cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho trên 500 học sinh nghèo với số tiền trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị khác như: Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Trường Trẻ em khuyết tật… vận động các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ hỗ trợ cho trên 2.000 lượt trẻ em: khám định kỳ, điều trị các bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ trị liệu tâm lý. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hằng năm vào các dịp lễ, Tết, quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu… từ tỉnh đến xã đều tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phong phú cho trẻ em. Cụ thể, tổ chức hơn 200 diễn đàn trẻ em thu hút hơn 20.000 em tham gia; gần 400 hội thi (kể chuyện sách, âm nhạc và bé, nghi thức đội và hát múa sân trường, vẽ tranh, bóng đá…) cho 34.000 trẻ em tham dự.

Các hoạt động khác như: họp mặt, sinh hoạt văn nghệ, chiếu phim lưu động, triển lãm tranh, dạy bơi miễn phí, các lớp kỹ năng sống… được tổ chức khá sinh động, thu hút hơn 110.000 trẻ em tham dự. Chị Lý Thị Thùy Trang (người gắn bó nhiệt tình với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em) chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì được đóng góp một phần nhỏ vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kém may mắn trong cuộc sống. Niềm vui lớn nhất khi chúng tôi chính là nhìn thấy nụ cười của các em, sự hạnh phúc tỏa lên từ những gương mặt ngây thơ. Dù chỉ là nhóm nhỏ, hoạt động thiện nguyện tùy vào khả năng nhưng tình thương chính là sợi dây vô hình giúp chúng tôi gắn bó lâu dài hơn với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh”. Hàng năm, thông qua Hội Khuyến học, Hội Phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội khác, hàng nghìn học sinh được hỗ trợ các chương trình học bổng, hỗ trợ khó khăn để tiếp tục đến trường.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là vô cùng quan trọng. Vì xã hội hóa công tác thực hiện quyền trẻ em được hiểu là vận động và kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội nhằm thực hiện quyền của trẻ em nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích