Cô giáo Lê Thị Lan Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng, hướng dẫn học sinh phương pháp học tập. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN
Chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của Hiệu trưởng các trường phổ thông, làm căn cứ để Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng tự đánh giá, phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Đồng thời, các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ.
Theo dự thảo Thông tư, chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn với 21 tiêu chí. Các tiêu chuẩn cụ thể là: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống (3 tiêu chí); năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học (3 tiêu chí); năng lực quản trị nhà trường (8 tiêu chí); năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ (2 tiêu chí); năng lực phát triển quan hệ xã hội (5 tiêu chí).
Dự thảo cũng đưa ra hướng dẫn đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng trường phổ thông theo chuẩn. Theo quy định, đánh giá Hiệu trưởng trường phổ thông theo chuẩn sử dụng các nguồn thông tin sau: Ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng; ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng; ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp.
Mỗi năm học, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng tự đánh giá một lần. Cơ quan cấp trên thực hiện đánh giá 3 năm-lần (đánh giá giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ hiệu trưởng).
Dự thảo này được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 5-4-2018. Chi tiết dự thảo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ moet.gov.vn.
Theo VIỆT HÀ (Báo Tin Tức)